Pháp đón Quốc khánh trong nỗi lo khủng bố
Ngày 14-7, quân đội Pháp đã tiến hành lễ diễu binh quy mô lớn trên đại lộ Champs-Elysées ở thủ đô Paris nhân kỷ niệm 228 năm Quốc khánh trước sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức cấp cao Pháp.
Quốc khánh Pháp còn được gọi là ngày phá ngục Bastille để ghi nhớ sự kiện nhân dân Pháp phá ngục Bastille ngày 14-7-1789, mở đầu cho Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ. Kể từ năm 1919, đại lộ Champs-Elysées - trục đường nối Khải Hoàn Môn (là biểu tượng của Chiến tranh) với quảng trường Concorde (biểu tượng của Hòa bình) đã được chọn là trục đường tổ chức lễ diễu binh hàng năm.
Năm nay quốc khánh Pháp được tổ chức long trọng hơn những năm trước, bởi đây là Quốc khánh đầu tiên trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống Emmanuel Macron. Đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump là khách mời danh dự của Tổng thống Pháp.
Toàn cảnh lễ diễu binh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Mở đầu lễ diễu binh là màn trình diễn ấn tượng của không quân Pháp với các máy bay Mirage F1 thực hiện nhả khói ba màu xanh, trắng, đỏ, là màu Quốc kỳ Pháp trên bầu trời Paris. Tổng cộng 3.765 binh sĩ Pháp thuộc nhiều binh chủng cùng máy bay, xe tăng và thiết bị quân sự đã tham gia lễ diễu binh.
Các máy bay chiến đấu F-16 của quân đội Mỹ cũng tham gia biểu diễn cùng máy bay tiêm kích Dassault Rafale của Pháp trên bầu trời Paris.
Sự tham gia của các đơn vị quân đội Mỹ bên cạnh các binh chủng Pháp trong lễ diễu binh, cùng sự hiện diện của vị khách đặc biệt là tân Tổng thống Mỹ Donald Trum khiến bầu không khí an ninh càng thêm căng thẳng.
Trong ký ức của người dân Pháp vẫn còn nhớ sự kiện đẫm máu đã diễn ra tại Nice -thành phố du lịch nổi tiếng miền nam nước Pháp trên bờ Côte d'Azur đêm 14-7-2016 sau màn pháo hoa mừng Quốc khánh. Thảm họa đã ập tới khi một chiếc xe tải cỡ lớn, nặng 19 tấn, do một phần tử khủng bố lái, đã điên cuồng lao vòng vèo trên đại lộ La Promenade des Anglais ven biển, cán qua dòng người người đi bộ trên một đoạn dài gần 1 km, để lại sau nó 84 xác chết và trên 100 người bị thương.
Thảm kịch Nice nối dài những thảm kịch do khủng bố gây nên ở tòa báo Charlie Hebdo; nhà hát Bataclan (Paris) năm 2015 và mở đầu một phương thức tấn công khủng bố mới: dùng xe tải cán vào dòng người đi bộ ở những nơi đông đúc. Phương thức ấy đã được áp dụng không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nơi tại châu Âu như Berlin (Đức), Luân Đôn (Anh)... Và mới nhất, vào chiều 19-6-2017, một phần tử cực đoan đã dùng xe đâm thẳng vào xe cảnh sát đang đậu trên đại lộ Champs Élysées thuộc trung tâm thủ đô Paris.
Bóng ma khủng bố vẫn bao trùm mọi nơi, len vào cả những điểm được canh phòng nghiêm ngặt nhất, với những phương thức hết sức đa dạng, vào những thời điểm bất ngờ nhất.
Quốc khánh năm nay, Paris phải cảnh giác hơn, bởi IS đang tìm cách trả đũa phương Tây sau những thất bại liên tiếp tại Iraq và Syria, đặc biệt là khi thành trì của chúng tại Mosul thất thủ.
Để ngăn ngừa khủng bố, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, Paris đã áp dụng nhiều biện pháp. Trên đại lộ Champs Élysées và nhiều nơi công cộng tập trung đông người, cảnh sát Pháp dựng một hệ thống rào chắn thép, được bố trí dọc theo vỉa hè và những đầu mút giao thông, nơi xe cộ có thể từ dưới lòng đường lao vào đám đông. Bốn chân tháp Eiffel thậm chí được bao bởi một lớp "giáp" chống tấn công bằng bom. Khi qua các bến bãi, vào các công sở, các điểm tham quan du lịch, các siêu thị... hành lý của du khách bị kiểm tra nghiêm ngặt, trực tiếp hoặc qua hệ thống quan sát tự động.
Tổng thống Pháp Macron tiếp đón người đồng cấp Mỹ Trump. (Ảnh: Getty Images) |
Hơn 10.000 cảnh sát và quân cảnh được huy động bố trí canh gác khắp nơi. Tình trạng khẩn cấp vẫn tiếp tục kéo dài. Các chiến dịch truy quét khủng bố được đẩy mạnh. Cơ quan an ninh Pháp, phối hợp với các nước, đã ngăn chặn một số âm mưu khủng bố xuyên biên giới, bắt giữ nhiều phần tử cực đoan.
Cũng liên quan đến sự kiện này, chuyến thăm Pháp hai ngày 13 và 14-7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự tham gia diễu binh của các quân nhân Mỹ bên cạnh binh sỹ Pháp là sự kiện có tính biểu tượng cao. Chuyến thăm đã cho phép hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ vượt qua bất đồng, tìm tiếng nói chung trong các hồ sơ quốc tế lớn như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, xu hướng bảo hộ và quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Đây cũng là dịp để hai nhà lãnh đạo tái khẳng định những liên hệ lịch sử đã gắn kết hai nước Pháp và Mỹ, củng cố các mối quan hệ hợp tác có tính xây dựng vì lợi ích chung của cả hai bên.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc