Tổng thống Pháp thay Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang
Ngày 19-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ định ông Francois Lecointre làm Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang của nước này, thay Tướng Pierre de Villiers, người bất ngờ từ chức do bất đồng với nhà lãnh đạo Pháp về vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Tướng Villiers, một thành viên trong êkíp của Thủ tướng Edouard Philippe, từng phục vụ trong quân ngũ ở Bosnia - Herzegovina và là người đứng đầu phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu (EU) tại Mali.
Trước đó cùng ngày, Tướng De Villiers đã thông báo từ chức sau khi đơn từ chức của ông được Tổng thống Macron chấp thuận.
Mâu thuẫn giữa Tướng De Villiers và Tổng thống Macron nổ ra vào tuần trước sau khi vị tổng tham mưu trưởng phát biểu trước một ủy ban Hạ viện Pháp rằng ông sẽ không cho phép lực lượng vũ trang nước này bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cắt giảm 850 triệu euro (980 triệu USD) ngân sách chính phủ.
Tướng Pierre de Villiers vừa từ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp. (Ảnh: LE FIGARO) |
Đáp lại, trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi cuối tuần qua, ông Macron nêu rõ nếu như có sự bất đồng về quan điểm, "Tổng tham mưu trưởng sẽ là người phải rời vị trí của mình".
Trong bối cảnh Pháp đang phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, chính quyền của ông Macron trước đó đã cắt giảm ngân sách quốc phòng năm 2017 nhằm bảo đảm cam kết giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo mức trần của Liên minh châu Âu (EU). Kế hoạch cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết ổn định tình hình tài chính trong nước của Tổng thống Macron, người từng lãnh đạo Bộ Tài chính trước khi bước vào Điện Elyssé.
Tuy nhiên, ngày 13-7 vừa qua, Tổng thống Macron đã cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của nước này bắt đầu từ năm 2018 nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt 2% GDP.
Tổng thống Pháp đã gặp phải những chỉ trích gay gắt từ nhiều phía sau khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp từ chức.
Phe lên tiếng chỉ trích đầu tiên là nhóm các nghị sĩ trong Quốc hội Pháp của Đảng cánh hữu đối lập “Những người cộng hoà”. Nhóm này ra tuyên bố “việc từ chức của Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp là một sự kiện lịch sử đặt ra hai vấn đề đặc biệt cấp bách đối với các thiết chế của nước Pháp. Sự tin tưởng giữa Tổng thống và quân đội đã bị xấu đi rất nhiều và chắc chắn là đã hoàn toàn đổ vỡ”.
Chủ tịch của nhóm nghị sĩ của đảng “Những người cộng hoà” trong Quốc hội Pháp, ông Bruno Retailleau, công kích ông Macron khi cho rằng “đây là một tín hiệu rất xấu, khi một vị Tổng thống lại đi khiển trách một quân nhân chỉ vì người này đã bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn trước các nghị sĩ”. Ông Retailleau cũng cho rằng, tướng De Villiers đã bị phản bội bởi các lời hứa khi tranh cử của ông Macron, vì khi đó ông Macron luôn hứa hẹn sẽ tăng ngân sách quốc phòng cho quân đội Pháp.
Bên phía cánh tả, các chỉ trích cũng ồ ạt nhằm vào ông Macron. Cựu Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Francois Hollande, ông Jean-Jacques Urvoas cho rằng, việc từ chức này của Tổng tham mưu trưởng quân đội cho thấy Tổng thống Macron đã không công nhận quyền được tiếp nhận thông tin của Nghị viện.
Chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia và là đối thủ của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cách đây 2 tháng, bà Marine Le Pen cũng nhanh chóng lên tiếng công kích ông Macron khi cho rằng ông Macron đã chọn “sự oai phong cho mình và bất chấp an ninh của người dân Pháp”.
Về phía quân đội, tướng Vincent Desportes, cựu Thiếu tướng Lục quân và nguyên Hiệu trưởng Trường Chiến tranh của Pháp, dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích ông Macron khi coi sự kiện này là biểu hiện của “một sự chuyên quyền non nớt và vô tác dụng” của tân Tổng thống Pháp. Đối với tướng Desportes, việc Tổng tham mưu trưởng Pierre de Villiers bị buộc từ chức sẽ đánh dấu sự đổ vỡ về lòng tin giữa giới quân đội với chính quyền của ông Macron.
“Quân đội bị sốc và sửng sốt vì những gì vừa diễn ra. Bởi tướng De Villiers là người giỏi nhất trong chúng tôi, được tất cả thừa nhận. Ông ấy là một chuyên gia, một quân nhân chuyên nghiệp mẫu mực, là người rất gần gũi với tất cả binh lính. Niềm tin đã bị huỷ hoại và đó là điều rất nghiêm trọng đối với việc bảo vệ an toàn cho người dân Pháp” – tướng Desportes nói.
Các cựu quan chức trong các đời Chính phủ Pháp trước đó cũng đồng loạt lên tiếng. Cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin cho rằng “cần phải thông hiểu cho tướng De Villiers, một vị Tổng tham mưu trưởng lớn của quân đội Pháp”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Hervé Morin thì công kích nặng nề hơn khi cho rằng “ông Macron đã phạm một sai sót của tuổi trẻ và sự kiêu ngạo”.
Vụ việc Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Pierre de Villiers buộc phải từ chức do mâu thuẫn với Tổng thống Pháp cũng hé lộ hoàn cảnh khó khăn của quân đội mạnh nhất châu Âu. Câu hỏi lớn nhất mà rất nhiều độc giả Pháp đã hỏi trong các phần trao đổi trực tiếp của các tờ báo lớn như Le Monde hay Le Figaro trong buổi sáng 19-7 là: thực sự quân đội Pháp thiếu thốn đến mức nào?
Câu trả lời đến từ chính tướng Pierre de Villiers, vào thời điểm tháng 2-2017, khi ông đi khắp nước Pháp để vận động các nghị sĩ ủng hộ một ngân sách quốc phòng an toàn cho quân đội Pháp.
Theo lời tướng De Villiers, quân đội Pháp đang trong một điều kiện thiếu thốn cả về trang bị quân sự, nhân lực lẫn tài chính.
Các con số cụ thể như sau: 60% phương tiện vận tải quân sự của lục quân không được bảo trì. Các máy bay tiếp vận vốn đóng vai trò lớn trong năng lực răn đe hạt nhân và tác chiến tầm xa đã có tuổi đời trên 50 năm.
Quan hệ giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) với Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pierre de Villiers (phải) trở nên căng thẳng vì vấn đề ngân sách. (Ảnh: Getty Images/PA) |
Nghiêm trọng nhất, hải quân Pháp đang trên bờ suy sụp trước năm 2020 bởi theo kế hoạch, 6 trên 8 khu trục hạm đang hoạt động sẽ bị loại biên và số thay thế phải vài năm sau mới bắt đầu được biên chế.
Sự quá tải và thiếu thốn phương tiện khiến tâm lý của binh lính, sĩ quan bất ổn, trong khi gia đình các quân nhân thường xuyên than phiền về hệ thống trả lương và tính toán phụ cấp.
Trong hoàn cảnh đó, tướng Pierre De Villiers xem việc ông phải lên tiếng phản đối việc cắt giảm ngân sách quốc phòng là nhiệm vụ đương nhiên. 850 triệu Euro là con số được Bộ Tài chính Pháp thông báo cắt ngay lập tức, nhưng ngoài ra còn một con số lớn hơn là 2,7 tỷ Euro tín dụng bị đóng băng.
Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh quân đội Pháp phải thực thi cùng lúc nhiều chiến dịch quân sự ở nước ngoài, như tại Mali, Syria, Irak, vùng Sahel… Các chiến dịch này, được gọi tên là Opex, mỗi năm tiêu tốn của Bộ Quốc phòng Pháp 1,1 tỷ Euro, nhưng trong năm 2017, quân đội Pháp chỉ được Chính phủ hứa hẹn cấp 450 triệu Euro, phần còn lại phải tìm cách vá víu. Đó là chưa kể, cùng lúc đó, quân đội Pháp cũng đồng thời phải đảm đương nhiệm vụ giữ gìn an ninh trong nước chống khủng bố, thông qua chiến dịch Sentinelle huy động hơn 10.000 quân nhân tuần tra thường trực trên khắp các đường phố nước Pháp.
Vì thế, nói như lời của tướng Pierre de Villiers, thì “nước Pháp có một quân đội tốt nhưng nó đang phải gánh vác 130% khối lượng nhiệm vụ vốn có”.
Và tương lai trước mắt, với hứa hẹn ngân sách quốc phòng 2% GDP, để nâng con số từ 32,7 tỷ Euro năm 2017 (tính cả 850 triệu Euro vừa bị cắt) lên 50 tỷ Euro vào năm 2025, dường như ngày càng xa vời.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc