Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với quảng cáo "thổi phồng" thực phẩm chức năng

08:15, 08/06/2019
Hiện nay, thực phẩm chức năng (TPCN) giả thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn lan trên thị trường. Không những thế, công năng của loại thực phẩm này còn được người kinh doanh “thổi phồng”, “nói quá” trên mạng xã hội. Song, để giải quyết được vấn đề này vẫn là bài toán khó với ngành chức năng.
 
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh bác sĩ TRẦN VĂN TIẾT xoay quanh nội dung này.
 
●Thưa bác sĩ, thời gian qua đã có nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến chất lượng và quảng cáo của TPCN. Vậy, cơ quan chức năng đã có sự giám sát, quản lý vấn đề này như thế nào? 
 
Theo phân cấp quản lý tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải công bố sản phẩm ở Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, còn cơ sở sản xuất sản phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi thì công bố tại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh.
 
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh hầu như không có các cơ sở sản xuất những loại thực phẩm này. Song, rất nhiều nhà thuốc, đại lý thuốc, quầy thuốc và kể cả những cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đều có kinh doanh sản phẩm TPCN với nguồn gốc rất đa dạng, kể cả những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng xách tay mua lẻ về để đóng hộp bán cho người tiêu dùng. 
 
Đối với các sản phẩm TPCN nói chung, trước khi được phép quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng đều phải có hồ sơ đăng ký quảng cáo gửi về cơ quan chức năng, có thể là Cục ATTP, Bộ Y tế hoặc y tế địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm TPCN quảng cáo trên các trang mạng, các kênh không chính thống thường được “thổi phồng” về công năng. Đối với những cơ sở sau khi có thông tin phản ánh từ phía người tiêu dùng về sản phẩm “có vấn đề” đều được các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, nếu phát hiện thực tế hoạt động quảng cáo không đúng theo hồ sơ phê duyệt đều bị xử lý.
 
Bác sĩ Trần Văn Tiết kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh  trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Trần Văn Tiết kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
●Có một thực tế là việc quảng cáo TPCN hoàn toàn sai sự thật trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên số trường hợp là cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử phạt lại rất ít. Theo bác sĩ, liệu có phải chế tài chưa đủ mạnh?
 
Như đã nói ở trên, đối với những cơ sở quảng cáo không đúng quy định, Cục ATTP cũng như y tế địa phương đều có rà soát, nếu đó là những cơ sở đã được cấp quảng cáo mà quảng cáo không đúng theo hồ sơ phê duyệt thì sẽ bị xử phạt. Thực ra chế tài không phải yếu, khung phạt tùy theo mức độ, hành vi sai phạt áp dụng từ 5-70 triệu đồng, đó là đối với cơ sở, còn đối với tổ chức sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, mức này không phải là ít nhưng cái khó là có không ít cơ sở đăng thông tin quảng cáo sai sự thật về sản phẩm TPCN trên trang mạng, nhưng khi rà soát lại không tìm được địa chỉ kinh doanh của họ nên không thể xử lý. 
 
●Trước sự “hỗn loạn” của thị trường TPCN, ngành đã có những biện pháp nào để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN trong thời gian tới, thưa bác sĩ?
 
Về phía y tế địa phương, hằng năm chúng tôi đều có chương trình kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất các sản phẩm TPCN tại các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra khi có những thông báo, cảnh báo từ Cục ATTP, Bộ Y tế, chúng tôi đều có đợt kiểm tra đột xuất tập trung vào các mặt hàng được Cục ATTP thông báo để nếu phát hiện thì có biện pháp xử lý ngay. Trong kiểm tra định kỳ, chúng tôi rất chú trọng về mặt thủ tục hành chính cũng như các hồ sơ công bố để làm sao những sản phẩm có trong nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý thuốc là những sản phẩm hợp pháp, đảm bảo chất lượng đến với người tiêu dùng.
 
Qua nhiều lần kiểm tra của những năm vừa rồi, phần lớn sai phạm chỉ tập trung ở nội dung là chủ cơ sở không quan tâm nhiều đến việc lưu giữ hóa đơn chứng từ, các giấy tờ công bố từ Cục ATTP hoặc không chú ý trong việc sắp xếp TPCN, bởi theo quy định TPCN phải để riêng, không được để lẫn với thuốc và các thực phẩm khác. Người kinh doanh TPCN phải đảm bảo về mặt sức khỏe, kiến thức, phần lớn các cơ sở ít chú ý đến vấn đề này nên hay xảy ra sai phạm.  
 
●Bác sĩ có khuyến cáo gì với người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm chức năng để tránh nguy cơ “tiền mất tật mang”?
 
Đối với người tiêu dùng, nếu có nhu cầu sử dụng TPCN nên đến các cơ sở kinh doanh hợp pháp, cơ sở lớn có đầy đủ hồ sơ pháp lý quy định và khi mua sản phẩm TPCN phải chú ý đến các thông tin về bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng của các sản phẩm đó, hạn chế tối đa mua sản phẩm thực phẩm trên các trang mạng quảng cáo không chính thống hoặc nghe theo bạn bè hướng dẫn, hay mua hàng gọi là hàng “xách tay”.
 
Thực ra nếu đúng là hàng “xách tay” bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng thì có thể đạt chất lượng, nhưng thực tế phần lớn hàng hóa mang danh nghĩa “xách tay” đều là mua hàng thùng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sau đó đóng gói vào các bao bì đẹp mắt, hấp dẫn để bán cho người tiêu dùng và chất lượng không đảm bảo. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng với những thông tin quảng cáo "thổi phồng" về các sản phẩm TPCN, phải có sự sàng lọc, lựa chọn kỹ, tránh nhầm lẫn . 
 
●Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
 
Kim Oanh (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.