Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang "đánh cược" với vũ khí thuế quan?

08:44, 08/06/2019
Sau Trung Quốc, đến Ấn Độ, Mexico được thêm vào danh sách những nước mà Mỹ muốn gây “chiến tranh thương mại” và Australia cũng đang bị đặt trong tầm ngắm.
 
Một số hàng hóa của Ấn Độ xuất khẩu chính thức bị tăng thuế từ ngày 5-6 trong bối cảnh Mỹ muốn gia tăng áp lực với quốc gia châu Á này về mở cửa thị trường.
 
Trước đó, ngày 31-5, Tổng thống Donald Trump nói rằng Ấn Độ sẽ bị loại khỏi chương trình đặc quyền thương mại của Mỹ có tên gọi là Generalized System of Preferences (GSP). Theo chương trình kéo dài hàng thập kỷ dành cho một số nền kinh tế đang phát triển này, Mỹ đã cho phép một số hàng xuất khẩu của Ấn Độ tránh bị đánh thuế khi vào Mỹ với lợi ích thúc đẩy thương mại và phát triển chặt chẽ hơn.
 
Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GSP. Theo biểu thuế mới, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như hóa chất, linh kiện ô tô và bộ đồ ăn xuất sang Mỹ phải chịu thêm thuế lên tới 7%. Năm 2018, những mặt hàng này chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ trị giá 54,4 tỷ USD, theo cơ quan nghiên cứu cho Quốc hội Mỹ.
 
Mexico cũng đang "ngồi trên lửa" khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế tăng dần đối với toàn bộ hàng hóa Mexico nếu nước này không thể chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ về biên giới Mỹ đang ngày càng gia tăng. Mức thuế 5% sẽ có hiệu lực từ 10-6 và mỗi tháng sẽ tăng thêm 5 điểm % cho tới mức 25% nếu chính quyền Mexico không có hành động kịp thời.
 
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Mexico vào Mỹ chờ tại cảng thương mại ở Otay, Tijuana (Mexico) ngày 30-5-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Mexico vào Mỹ chờ tại cảng thương mại ở Otay, Tijuana (Mexico) ngày 30-5-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một nước khác cũng đang “nằm trong tầm ngắm” là Australia. Một số cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump đã kêu gọi dùng đòn thuế quan để đáp trả việc Australia “bán tháo” nhôm vào thị trường Mỹ những năm qua. Tuy nhiên, giới chức của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng cảnh báo rằng, động thái đó có thể sẽ gây chia rẽ với một đồng minh hàng đầu và cũng sẽ là cái giá đáng kể đối với Mỹ. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Trump đã nhất trí rằng ít nhất là tạm thời sẽ chưa có bất cứ hành động nào đối với Australia.
Nhiều chuyên gia nhận định việc Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định về thuế nhập khẩu nhằm theo đuổi các mục tiêu chính trị có thể gây ra nhiều thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu do làm suy yếu chính cấu trúc của hệ thống thương mại quốc tế mở và dựa trên quy tắc mà Mỹ đã giúp xây dựng trong 70 năm qua.

Hơn 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “nổ phát súng” thuế quan đầu tiên dẫn tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các cuộc tranh luận về việc rốt cuộc ai là người phải chịu gánh nặng cho những đòn thuế đó vẫn chưa có kết luận chính xác.

Theo dự báo kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố tháng 4-2019, nền kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ tăng trưởng 2,3%, và năm 2020 là 2%. Trong khi đó, tăng trưởng trong năm 2018 là 3,1%. Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 là 6,6%. IMF dự báo năm 2019 sẽ kinh tế nước này tăng trưởng 6,3% và năm 2020 là 6,1%. Các dự báo này đã tính đến cả yếu tố chiến tranh thương mại hiện nay và nó cho thấy, đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế Mỹ “tụt điểm” nhiều hơn so với Trung Quốc.
 
Giới phân tích cho rằng, mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Mexico có thể phá vỡ nghiêm trọng chuỗi cung ứng giữa Mỹ - Mexico, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô có tầm quan trọng sống còn của Mỹ. Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mexico có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ vì nó thể khuấy đảo thị trường tài chính Mỹ và thị trường toàn cầu do càng làm tăng các mối lo ngại rằng Mỹ sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc và Mỹ có thể đi đầu trong việc phát động một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
 
Trên quan điểm về thị trường, việc Tổng thống Trump đe dọa áp thuế quan đối với hàng hóa của Mexico vào thời điểm này không phù hợp bởi thị trường toàn cầu hiện đang chao đảo bởi cuộc chiến leo thang chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng chính là lúc các thị trường toàn cầu đang bị xáo trộn trước khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10 tới mà không cần một thỏa thuận và Italy có thể dẫn đầu châu Âu rơi vào vòng khủng hoảng nghiêm trọng hơn về nợ công.
 
Những người ủng hộ chiến dịch lớn nhất của Tổng thống Trump đang công khai thừa nhận mối lo ngại rằng, với cuộc chiến thuế quan, ông Trump đang đánh mất ưu thế tái tranh cử 2020 của mình, đó chính là kinh tế. Một số chuyên gia cho rằng việc đưa ra các quyết định kinh tế được cho là vội vàng và bỏ qua các quy tắc của Tổ chức Thương mại quốc tế mà Tổng thống Trump vừa công bố sẽ khiến nền kinh tế Mỹ hoạt động kém hiệu quả và chững lại ngay trước thềm cuộc bầu cử sắp tới, gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tranh cử của ông.
 
Các nhà phân tích cho rằng dường như Tổng thống Trump vẫn chưa nhận ra cách mà cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính toàn cầu (giống như vụ phá sản của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers khiến hệ thống tài chính thế giới sụp đổ) có thể làm trật bánh sự phục hồi nền kinh tế Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020.
 
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc