Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang
Hai ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị cử đặc phái viên đàm phán với Triều Tiên, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong - em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 17-6 “đã thẳng thừng từ chối đề nghị” này. Không dừng lại ở đó, cùng ngày, người phát ngôn Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên cũng cho biết, Triều Tiên sẽ triển khai lại quân đội tại các khu vực biên giới của thành phố Kaesong và núi Cưm Cang, đồng thời thiết lập lại các đồn biên phòng đã được tháo dỡ theo thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng cũng sẽ nối lại “mọi hình thức diễn tập quân sự thường xuyên” gần biên giới liên Triều - một động thái rõ ràng nhằm hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng được hai miền Triều Tiên ký kết vào năm 2018.
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên trên đảo Ganghwa. |
Việc phá hủy văn phòng liên lạc chung đánh dấu một bước lùi mới nhất và lớn nhất trong quan hệ liên Triều. Quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây, khi Triều Tiên liên tục chỉ trích Hàn Quốc, nhấn mạnh hoạt động thả truyền đơn chống nước này là hành động thù địch, vi phạm một loạt thỏa thuận hòa bình liên Triều, đồng thời đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc chung cũng như cắt toàn bộ liên lạc với Hàn Quốc. Ngày 13-6, bà Kim Yo-jong, thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đe dọa cắt quan hệ với Hàn Quốc và chỉ thị quân đội áp dụng những biện pháp cần thiết để trừng phạt Hàn Quốc. Đáp lại, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ các thỏa thuận liên Triều đạt được trước đó.
Quan hệ Hàn - Triều đang rơi vào tình thế “căng như dây đàn” và có thể “đứt” bất cứ lúc nào khi hai bên không ngừng công kích nhau. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun trong một phát biểu ngày 17-6 đã nhấn mạnh rằng hành động phá bỏ Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở Kaesong của Triều Tiên là hành vi cắt đứt kỳ vọng của tất cả mọi người mong mỏi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông cho rằng trong lúc thế giới đang dồn sức và đương đầu với khó khăn do dịch Covid-19, Triều Tiên đã đơn phương phá bỏ Văn phòng liên lạc chung. Trong tình hình đó, các cơ quan liên quan đến ngoại giao cần có những phương án tránh làm căng thẳng thêm tình hình, các cơ quan liên quan đến kinh tế cần đưa ra những biện pháp tối thiểu hóa ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc.
Theo truyền thông Triều Tiên, người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên cho biết sẽ tăng cường cảnh giới tại khu vực biên giới, thông qua tái mở trạm quan sát đã bãi bỏ từ khu vực phi vũ trang và thực hiện các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực gần biên giới hai nước. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh Triều Tiên cần phải tôn trọng Thỏa thuận quân sự liên Triều, đồng thời cho rằng trong trường hợp Triều Tiên tái khởi động các chương trình phóng tên lửa và diễn tập quân sự, quân đội Hàn Quốc sẽ phải có những biện pháp đối phó tương ứng. Hàn Quốc sẽ giám sát hành động của Triều Tiên 24/24 giờ.
Trạm gác của Triều Tiên (phía trên) nhìn từ thành phố biên giới Paju (Hàn Quốc) ngày 16-6. |
Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên cho biết, phía Triều Tiên cũng có phản ứng về bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhân kỷ niệm 20 năm ký kết Tuyên bố chung Hàn - Triều khi cho rằng đó là “tự biện hộ, chối bỏ trách nhiệm”. Ngay lập tức, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng đây là hành vi “thiếu hiểu biết” và cho rằng Triều Tiên cần “bảo vệ nguyên tắc ngoại giao cơ bản”.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại liên Triều dẫn đến các giải pháp hòa bình có lợi cho hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các bên. |
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đang duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với phía Mỹ, Trung Quốc và các nước khác về tình hình căng thẳng leo thang với Triều Tiên sau vụ nổ văn phòng liên lạc. Theo một quan chức bộ trên, mục đích của Seoul là phối hợp với các nước để "ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn cũng như chia sẻ những đánh giá về diễn biến thực tế hiện nay". Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thì tuyên bố tạm dừng tìm kiếm và khai quật hài cốt binh sĩ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) tại đồi Hwasalmori (Đầu mũi tên) ở huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc quyết định dừng công tác này là để đảm bảo an toàn cho binh lính, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục có các động thái mà phía Seoul cho là gây căng thẳng. Toàn bộ khu vực đồi Hwasalmori đều có đường ranh giới quân sự tiếp giáp với Triều Tiên.
Cộng đồng thế giới đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nga và Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Điện Kremlin cho biết Nga quan ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Mỹ khẳng định hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc trong quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế những hành động phản tác dụng tiếp theo”.
Như Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc