Multimedia Đọc Báo in

Mỹ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết Biển Đông

08:19, 17/07/2020
Ngày 13-7, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên website tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về "lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông", bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau lễ kỷ niệm 4 năm ngày Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông (ngày 12-7-2016).

Trong tuyên bố này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông và khẳng định các tuyên bố trên là “hoàn toàn bất hợp pháp”. Ông Pompeo cho biết Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia. Ông Pompeo nhấn mạnh bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn khẳng định, Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố điều đó vào năm 2009.

Tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ di chuyển gần tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 1-7.  Ảnh: US NAVY
Tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ di chuyển gần tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 1-7. Ảnh: US NAVY

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Tại Biển Đông, chúng tôi nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo sự tự do của các vùng biển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế; duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và kiên định với các đối tác và đồng minh của Mỹ, những người lâu nay ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".

Đánh giá về động thái mới nhất này của Mỹ, nghiên cứu viên cao cấp của Heritage Foundation, ông Dean Cheng cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ “nhắc lại, nhưng bây giờ rõ ràng và ở dạng tài liệu, lập trường lâu đời của Mỹ rằng yêu sách của Trung Quốc với Biển Đông về “đường chín đoạn” là quá đáng, không có vị thế quốc tế, không có chỗ đứng về pháp lý quốc tế và không được Mỹ chấp nhận”.

Bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner thì cho rằng lập trường của Mỹ về các yêu sách hàng hải tại Biển Đông mới được công bố cho thấy sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách của Washington với vấn đề Biển Đông. Ông Rogan nhận định, với tuyên bố mới nhất này, chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ đơn giản bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh mà còn ám chỉ rằng các quốc gia khác trong khu vực có quyền lợi lớn hơn nhiều đối với những vùng biển được đề cập. Daniel Markey, giáo sư nghiên cứu cao cấp về quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Johns Hopkins, cho rằng tuyến bố này có thể là phản ứng thích hợp với các hành động gây hấn của Trung Quốc trên khắp châu Á, bao gồm cả ở Biển Đông.

Đáp trả lại Washington, ngày 14-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ là nước gây rối, đang làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ, Trung Quốc không bao giờ tìm cách xây dựng một đế chế ở Biển Đông, đồng thời phản đối tuyên bố ngày 13-7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản đã hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về lập trường của Washington đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Hãng tin Jiji Press dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản “trước sau như một ủng hộ tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực và cưỡng ép”, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ vì mục đích này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines cũng đã lên tiếng đồng ý với Mỹ về việc cần phải có một trật tự trên Biển Đông dựa trên các quy tắc được quốc tế chấp nhận. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin khẳng định, lợi ích tốt nhất đối với sự ổn định của khu vực sẽ đạt được khi Trung Quốc thực hiện lời kêu gọi của cộng đồng thế giới trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện hành. Manila đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài (PCA) thường trực năm 2016, vốn bác bỏ các yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này ký kết.

Còn hãng tin AP cho rằng, lập trường của Mỹ là kiên quyết giải quyết tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng một cách hòa bình thông qua các cơ quan do Liên hiệp quốc bảo trợ. Mặc dù Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng tuyên bố này có nghĩa là Chính phủ Mỹ đang thực sự đứng về phía Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố ngày 13-7 của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể mở đường cho những chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với các hành vi quấy rối của Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực. Đồng thời, tuyên bố cũng sẽ gây áp lực lên các nước châu Âu, buộc họ không thể mãi chọn giải pháp im lặng, lên tiếng ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ thay vì “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Ngày 15-7, liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.


Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, SGGP)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.