Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Mỹ - Iran: Không ai nhường ai trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân

06:20, 12/03/2021

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden đảm bảo rằng nếu nối lại đàm phán với Iran cần giải quyết cả các nội dung khác ngoài chương trình hạt nhân của nước này.

Theo đó, trong một bức thư chung gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9-3, nhóm 140 nghị sĩ nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán cũng cần giải quyết các vấn đề khác như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, sự ủng hộ của nước này đối với các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực cũng như hoạt động mạng của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Bức thư được gửi tới Ngoại trưởng Mỹ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Iran về việc tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cùng với Đức).

Trong khi đó, mới đây 32 tổ chức phi chính phủ tại Mỹ đã gửi thư lên Tổng thống Joe Biden hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ nhanh chóng trở lại JCPOA do lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng quân sự liên quan tới Mỹ tại Trung Đông. Theo những tổ chức phi chính phủ này, càng để lâu thì cơ hội đạt được nhận thức chung với Iran càng trở nên phức tạp.

Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và Iran đã liên tục có những bước đi thăm dò lẫn nhau. Việc cả hai nước đều không muốn trở thành bên phải nhượng bộ trước đã gây khó khăn cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden mới chỉ đưa ra những cử chỉ phần nhiều mang tính tượng trưng, bởi rõ ràng sức ép với ông là không hề nhỏ. Một bên là các tổ chức dân sự và nhiều nghị sĩ Dân chủ thúc ép phải dỡ bỏ trừng phạt, song mặt khác ông cũng phải tính đến áp lực từ các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện.

Cuộc tranh luận về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran có thể làm cho Tổng thống Joe Biden phải đau đầu và khiến các nghị sĩ Mỹ bận rộn trong nhiều tháng tới. Kể từ năm 2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật mang tên “Rà soát Thỏa thuận hạt nhân Iran”. Văn kiện này cho phép Quốc hội giám sát bất kỳ “thỏa thuận nào liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran”.

Trong khi Mỹ vẫn đang loay hoay tìm cách trở lại thỏa thuận hạt nhân, với quan điểm cứng rắn là giữ nguyên các lệnh trừng phạt cho tới khi Iran tuân thủ mọi cam kết thì Iran vẫn đang tiếp tục làm giàu urani. Cách đây vài tuần, Lãnh tụ tối cao - Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố Tehran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước những áp lực của Mỹ đối với hoạt động phát triển hạt nhân. “Mức độ làm giàu urani của Iran sẽ không giới hạn ở 20%. Chúng tôi sẽ tăng nó lên bất kỳ mức nào khi đất nước cần. Chúng tôi có thể nâng mức làm giàu lên đến 60%. Ba nước châu Âu và Mỹ đang sử dụng các ngôn ngữ kiêu ngạo, đòi hỏi và không công bằng. Đó là một sai lầm”, ông Ayatollah Ali Khamenei nhận định.

Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền Bắc Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền Bắc Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vào ngày 8-3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông báo với các nước thành viên rằng Iran đã bắt đầu làm giàu urani ở tầng thứ 3 của các máy ly tâm tiên tiến IR-2m tại nhà máy hạt nhân ngầm ở Natanz. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy quốc gia Hồi giáo này tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1.

Liên quan đến những bất đồng về thỏa thuận JCPOA, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Iran sẽ khôi phục các biện pháp mà nước này đã thông qua nhằm giảm các nghĩa vụ nếu phía Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran một cách “có hiệu quả”.

Ngày 9-3, Nga kêu gọi Washington và Tehran hợp tác để trở lại thỏa thuận JCPOA. Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Abu Dhabi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: "Để giải quyết nhiệm vụ khẩn cấp này, chúng tôi tin rằng hai bên Mỹ và Iran hoàn toàn có thể phối hợp thực hiện các bước đồng thời, theo từng giai đoạn. Nếu tranh cãi về việc bên nào phải trở lại tuân thủ thỏa thuận trước thì cuộc mặc cả này có thể kéo dài mãi".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cũng kêu gọi can dự với tất các bên tham thảo thuận hạt nhân Iran để xây dựng lòng tin nhằm khôi phục thỏa thuận này. Theo ông Coveney, thách thức đối với các chính trị gia và những người ra quyết định ở cấp cao tại các nước chủ chốt có liên quan là tìm biện pháp xây dựng đủ lòng tin cho các cuộc đàm phán tiếp tục. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ này sẽ không dễ, tuy nhiên hiện có cơ hội và không được để mất.

Thỏa thuận JCPOA ký giữa nhóm P5+1  với Iran năm 2015, trong đó đề xuất dỡ bỏ các các biện pháp trừng phạt để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình và đảm bảo không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng thỏa thuận đã rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi văn kiện này năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt với Tehran.

Sau khi Tổng thống Joe Biden đắc cử tháng 11-2020, Washington cùng với Tehran và các bên châu Âu (gồm Anh, Pháp, Đức) đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Ông Biden đã bày tỏ sẵn sàng làm sống lại thỏa thuận này song nhấn mạnh Iran phải là bên đầu tiên trở lại tuân thủ các cam kết của mình. Nhưng Tehran yêu cầu Washington phải có bước đi đầu tiên bằng việc dỡ bỏ trừng phạt.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.