"Cơn sóng thần" COVID-19 ở Ấn Độ
Với hơn hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày và số ca tử vong được ghi nhận hàng nghìn ca một ngày, Ấn Độ đang chao đảo vì dịch bệnh COVID-19.
Trong tình hình ấy, thế giới cũng không thể bình yên, bởi COVID-19 diễn biến phức tạp ở quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai thế giới, nền kinh tế lớn thứ sáu toàn cầu, được mệnh danh là "nhà thuốc của thế giới" và cũng là nơi xuất hiện các biến thể vi rút mới đáng lo ngại.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ
Ấn Độ đã nhiều ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Tổng số ca nhiễm hiện đã vượt mốc 20 triệu ca, tăng thêm 8 triệu ca chỉ trong vòng một tháng. Các chuyên gia y tế tin rằng con số thực tế có thể cao gấp 5 - 10 lần bởi nhiều người chết mà không thể nhập viện chữa trị.
Làn sóng lây nhiễm dâng cao đột ngột như vậy có thể đánh sập bất cứ hệ thống y tế tân tiến nhất nào, chứ chưa nói cơ sở hạ tầng y tế mong manh ở Ấn Độ.
Theo các nguồn tin y tế, trong giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng đầu tiên, các bệnh viện tại Ấn Độ chỉ có 2 - 3 bệnh nhân ốm nặng vì COVID-19 mỗi ngày. Nhưng giờ đây, do số lượng bệnh nhân nguy kịch quá lớn, các nhân viên y tế ở nhiều thành phố đang phải đưa ra những quyết định khó khăn và đau đớn về việc đưa bệnh nhân nào vào khu điều trị tích cực (ICU), ai được sử dụng máy thở, ai được thở bằng oxy, nếu những phương tiện đó có sẵn. Các nhà xác và lò hỏa táng không đủ chỗ. Nhiều người đã chết trên xe cấp cứu và các bãi đỗ xe trong lúc chờ giường hoặc bình dưỡng khí.
Bản thân đội ngũ nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch tại Ấn Độ cũng đang thiếu hụt lực lượng trầm trọng. Các bệnh viện đã không thể áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần nữa, thay vào đó các bác sĩ và y tá phải làm việc 90 - 120 giờ/tuần.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. |
Đáng lo ngại khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ đã tạo điều kiện cho các biến thể nguy hiểm xuất hiện, cản trở tiến triển ngăn chặn đại dịch trên thế giới. Ngoài biến thể B.1.1.7 đã phổ biến trên toàn thế giới, các biến thể B.1.617 và B.1.618 hiện đang lây lan nhanh chóng tại Ấn Độ. Các biến thể mới này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn và có thể tránh được khả năng miễn dịch từ vắc xin hoặc lần lây nhiễm trước đó. Bên cạnh Ấn Độ, biến thể B.1.617 đã lây lan ra hơn 20 quốc gia khác. Mỗi biến thể mới đều đe dọa khả năng phục hồi kinh tế và hướng tới miễn dịch cộng đồng của các nước.
Trước tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ, các nước trên thế giới đang sát cánh hỗ trợ Ấn Độ vượt qua cơn khủng hoảng này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, cơ quan này vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ bằng cách cung cấp thiết bị y tế và bệnh viện dã chiến di động. Ngoài ra, WHO cũng đưa ra hướng dẫn về chăm sóc tại nhà cho các bệnh nhân không thể nhập viện.
Mỹ mới đây đã chuyển 3 chuyến hàng viện trợ y tế khẩn cấp đến Ấn Độ và sẽ cung cấp thêm tổng lượng viện trợ cam kết lên đến hơn 100 triệu USD. Hàng loạt quốc gia khác như Anh, Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)... cũng đang gấp rút gửi viện trợ y tế để giúp Ấn Độ đẩy lùi đại dịch, trong đó bao gồm máy tạo oxy, máy thở, khẩu trang, đồ bảo hộ...
Bài học từ Ấn Độ: Không thể chủ quan với dịch bệnh
Khoảng thời gian từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021, số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ đã đi ngược lại với các xu hướng toàn cầu và giảm mạnh trong những tháng lạnh nhất trong năm, xuống tới mức bốn con số mỗi ngày.
Điều này thật khó giải thích. Có phải là do khí hậu ở Ấn Độ hay không? Hay người dân đã có được sự bảo vệ nhờ việc chủng ngừa từ khi còn nhỏ? Một số người suy đoán rằng có thể Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên. Thậm chí, một nghiên cứu do chính phủ tiến hành còn cho rằng đất nước này thực sự đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng thực tế, đây lại là bằng chứng về một trong những tính toán sai lầm chết người nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát cho đến nay. “Tình hình hồi tháng 1 đã bị hiểu sai thành chúng tôi đã đạt được miễn dịch cộng đồng và không có khả năng xuất hiện đợt dịch thứ hai”, K. Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế công cộng tại Ấn Độ cho biết, “Ấn Độ bước vào chế độ ăn mừng toàn diện. Và vi rút đã cùng con người đến ăn mừng với các đám đông”.
Người thân khóc thương bệnh nhân qua đời do COVID-19 tại khu hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ. |
Trừ những cảnh báo rằng mọi người nên duy trì các biện pháp phòng ngừa, chính quyền tất cả các cấp đều đã nới lỏng các hạn chế, cho phép mở lại các sự kiện xã hội quy mô lớn và tiếp tục các cuộc vận động tranh cử rầm rộ. Tới cuối tháng 2, khi khối lượng công việc của giới chức giảm dần, cuộc sống tại Ấn Độ đã được phép trở lại gần như là bình thường. Các trung tâm thương mại ở New Delhi và Mumbai tấp nập người ra vào. Các đám đông đổ tới các sân cricket, trong đó có cả sân vận động lớn nhất thế giới Narendra Modi.
Theo tờ Indian Express, bất chấp những cảnh báo được đưa ra hồi tháng 11 bởi một ủy ban quốc hội của Ấn Độ rằng số giường tại các bệnh viện của chính phủ “ít một cách khủng khiếp”, bốn bệnh viện dã chiến ở thủ đô đã được dỡ bỏ, cùng với một bệnh viện có 800 giường ở Pune và một cơ sở điều trị COVID-19 ở bang Assam. Kumbh Mela, một lễ hội tôn giáo tại một thành phố phía bắc Ấn Độ bên bờ sông Hằng, thu hút hàng triệu người theo đạo Hindu hành hương, cũng đã được cấp phép tổ chức. Tirath Singh Rawat, thủ hiến bang nơi tổ chức lễ hội, đã khuyến khích càng nhiều người tới tham gia càng tốt.
Cảm giác rằng điều tồi tệ nhất đã qua dường như cũng đã ảnh hưởng đến sự thiếu khẩn trương trong chương trình tiêm chủng của Ấn Độ. Bất chấp việc có gần một năm xây dựng cơ sở hạ tầng vắc xin để tiếp cận người trưởng thành ở Ấn Độ, việc triển khai lại diễn ra chậm chạp. Chính phủ ủng hộ việc tặng vắc xin để cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á, trong khi chỉ giữ lại chưa tới một phần trăm số vắc xin cần thiết cho việc chủng ngừa ở Ấn Độ, và cho rằng mình có thể đảm bảo được phần còn lại sau đó khi các nhóm trẻ tuổi hơn đủ điều kiện tiêm chủng.
Rõ ràng, tình hình hiện nay ở Ấn Độ cho thấy, ngay cả khi dịch bệnh được xem là đang được kiểm soát tốt thì cũng không thể chủ quan…
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc