Tăng tốc tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Cần sự hợp tác và chia sẻ
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia bởi vắc xin được xem là vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến với vi rút SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, không một quốc gia nào an toàn cho đến khi cả thế giới an toàn, cuộc chiến với bệnh dịch chỉ chấm dứt khi mọi quốc gia đều đạt miễn dịch cộng đồng. Để đạt được điều đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ giữa các quốc gia trong tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19…
APEC đồng thuận về tăng tốc phân phối vắc xin
Việc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đạt đồng thuận về tăng tốc phân phối vắc xin ngừa COVID-19 có thể xem là một bước chuyển cần thiết trong chiến lược chống dịch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từng dẫn đầu thế giới trong kiểm soát đại dịch COVID-19 vào năm ngoái, nhưng hiện nhiều nền kinh tế châu Á đang phải hứng chịu những làn sóng lây nhiễm mới với số ca mắc mới hằng ngày cao gấp đôi so với các khu vực khác. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng việc triển khai chậm trễ chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở phần lớn các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Các chuyên gia nhận định có nhiều yếu tố khiến châu Á "chậm chân" hơn Mỹ và châu Âu trong “cuộc đua” vắc xin như: thiếu nguồn cung; quá trình phân phối vắc xin COVID-19 mất cân đối. Nhiều quốc gia châu Á với nguồn lực tài chính hạn chế khó có thể "chạy đua" tìm kiếm vắc xin đồng thời cũng chưa phát triển ngay được vắc xin trong nước, khiến chương trình tiêm chủng trở nên phụ thuộc và bị động. Trong khi Mỹ và châu Âu có thể khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà từ cuối năm ngoái thì phần lớn khu vực châu Á mãi đến cuối tháng 2-2021 mới triển khai tiêm vắc xin cho các lực lượng tuyến đầu. Đến đầu tháng 5, trong số các nền kinh tế tiên tiến, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia vẫn là các nước triển khai tiêm chủng chậm trễ. Nhật Bản mới chỉ tiêm 6,3 liều vắc xin/100 người, so với tỷ lệ 90 liều/100 người tại Anh. Ấn Độ cũng mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng 14 liều/100 người. Ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore đạt tỷ lệ 40% dân số được tiêm mũi đầu tiên, 9 nước thành viên còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều chưa tiến hành tiêm chủng rộng rãi do thiếu nguồn cung, trong đó 7 nước tỷ lệ tiêm đạt dưới 10% dân số.
Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC diễn ra cuối tuần trước theo hình thức trực tuyến đã ra Tuyên bố chung nêu rõ: "Nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa COVID-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, chúng ta cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vắc xin ngừa COVID-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng”. 21 nền kinh tế thành viên APEC cũng cam kết đẩy mạnh sự lưu thông và vận chuyển của mọi loại vắc xin cùng các hàng hóa liên quan, thông qua các cảng trên biển, trên bộ và cảng hàng không.
Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu đồng loạt đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung vắc xin và tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Ngoài số vắc xin được nhận theo cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhằm đa dạng hóa nguồn cung, các nước châu Á một mặt thúc đẩy đàm phán để mua vắc xin, mặt khác kêu gọi các nước giàu chia sẻ lượng vắc xin dư thừa và phê chuẩn sử dụng khẩn cấp các loại vắc xin ngừa COVID-19 khác nhau.
Một dây chuyền sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN |
Kêu gọi chia sẻ vắc xin
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Anh (diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 11-6), 100 cựu lãnh đạo thế giới ngày 6-6 đã gửi thư kêu gọi nhóm này hỗ trợ tài chính cho chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo. Bức thư có đoạn viết: "Sự hỗ trợ từ G7 và G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) để vắc xin trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với với các nước thu nhập thấp và trung bình không phải là một hành động từ thiện, mà là vì lợi ích chiến lược ở mỗi quốc gia". Nhân sự kiện này, gần 30 người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí và thể thao, từ nữ ca sĩ Katy Perry đến cầu thủ bóng đá David Beckham ngày 8-6 đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên G7 chia sẻ vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã kêu gọi các quốc gia thuộc G7 dự tính nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19 dư thừa trong những tháng tới để chia sẻ số vắc xin này với các nước đang phát triển sớm nhất có thể. Cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), WB và IMF đã kêu gọi tài trợ quốc tế tổng cộng 50 tỷ USD nhằm đạt được sự tiếp cận vắc xin công bằng hơn.
Trước đó, vào ngày 3-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu và thúc đẩy kế hoạch phân bổ 25 triệu liều đầu tiên trong số này. Cụ thể, 75% trong số khoảng 80 triệu liều vắc xin nói trên sẽ được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á và Đông Nam Á, cùng với châu Phi. 25% số vắc xin còn lại dành cho những nhu cầu cấp bách, trong đó có những quốc gia đang trải qua đợt tăng đột biến số ca mắc COVID-19, các nước láng giềng cũng như các quốc gia yêu cầu sự hỗ trợ ngay lập tức từ phía Mỹ.
Trong một thông báo, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng trong khi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, Tổng thống Biden đã cam kết về việc Mỹ sẽ là "một kho vũ khí vắc xin" cho thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Mỹ sẽ theo đuổi một số biện pháp bổ sung, ngoài nguồn tài trợ dành cho COVAX. Theo đó, Mỹ sẽ ủng hộ từ nguồn cung cấp vắc xin của Mỹ cho thế giới và khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, làm việc với các nhà sản xuất Mỹ để tăng số liều vắc xin cho phần còn lại của thế giới, đồng thời giúp nhiều quốc gia hơn nữa trong việc mở rộng năng lực sản xuất vắc xin, trong đó có thông qua chuỗi cung tứng toàn cầu.
Hồng Hà (tổng hợp)