Multimedia Đọc Báo in

Công nghệ và những con số

09:11, 11/05/2011
 
3D sẽ là kỹ thuật chính để thực hiện bộ phim khoa học về hang động lớn nhất thế giới, Sơn Đoòng, do một nhóm làm phim của hãng Kyodo (Nhật Bản), thực hiện. Đây là bộ phim khoa học đầu tiên về hang động bằng kỹ thuật 3D, bộ phim sẽ cho thế giới biết thế nào là siêu hang động lớn nhất thế giới và đẹp nhất thế giới theo như hãng BBC công bố vừa qua. Đoàn làm phim gồm 12 thành viên, trong đó có các chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh. Đoàn làm phim chính thức bấm máy từ ngày 9 tới 23-5. Dự kiến phim sẽ phát sóng vào cuối năm 2011.
Cây dầu mè
Cây dầu mè
Fr10-51571 là mã số bằng độc quyền sáng chế của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất DMSH từ các nguồn nguyên liệu tái tạo” do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đăng ký độc quyền sáng chế tại Pháp. Sử dụng nguyên liệu sẵn có là dầu, mỡ động, thực vật phế thải và cây cọc rào (tên khoa học là cây Jatropha Curcas, hay còn gọi là cây dầu mè), một loại cây cho dầu từ hạt có thể mọc trên những vùng đất khô hạn, hành lang giao thông... và từ đó pha chế với nhiều thành phần, các tính chất khác nhau. DMSH có thể ứng dụng khá rộng rãi trong các ngành in, cao su, giấy, vệ sinh công nghiệp, sản xuất các loại sơn; mặt khác có thể sử dụng DMSH để xử lý các vùng biển bị nhiễm bẩn do sự cố tràn dầu. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu cây cọc rào được trồng trên toàn hành lang giao thông nước ta, hàng năm nó hấp thu một lượng khí CO2 khoảng 11 triệu tấn. Cũng theo nhóm nghiên cứu, chỉ dùng DMSH để làm sạch động cơ, các chi tiết máy một doanh nghiệp cơ khí, ô tô có thể tiết kiệm được 3 tỷ đồng/năm. Công trình “Nghiên cứu công nghệ sản xuất DMSH từ các nguồn nguyên liệu tái tạo”, đã được Hội đồng Giám khảo giải thưởng VIFOTEC năm 2010 tặng giải ba cuộc thi.
Nắng nóng kéo dài
Nắng nóng kéo dài. (Ảnh: G.T)
2 tới 3 ngày nắng nóng gay gắt trên cả nước. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nngày 8-5, là ngày thứ hai gần như cả nước xảy ra nắng nóng gay gắt. Nguyên nhân là do vùng áp thấp nóng phía Tây (có tâm ở Myanmar và Tứ Xuyên (Trung Quốc) đưa khối không khí nóng đang lan tỏa dần về phía Tây Nam, tạo ra hiệu ứng gió Lào, nên ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh ở Tây Bắc bộ, miền Trung và Đông Nam bộ. Ngày 9-5, cả nước  xảy ra nắng nóng 35-37°C, một số nơi có thể lên mức 38°C và còn duy trì 2-3 ngày nữa.
Nguyễn Hải An (trái) học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM nhận giải thưởng tại cuộc thi Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) liên kết khu vực TPHCM hồi tháng 4 vừa qua. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nguyễn Hải An (trái) học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
2 học sinh Việt Nam dự thi khoa học quốc tế tại Mỹ: Từ ngày 9 tới 13-5, tại Los Angeles (Mỹ), 2 học sinh trung học từ Việt Nam là: Nguyễn Hải An, học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM và Hà Thúc Tiến, học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP. Huế, sẽ tham gia tranh tài cùng hơn 1.500 bạn bè đến từ hơn 60 nước trong Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF 2011).
Hà Thúc Tiến
Hà Thúc Tiến, học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP. Huế. (Ảnh: Vnexpress)
ISEF do Tập đoàn Intel tổ chức thường niên từ năm 1997 tới nay. Đây là sự kiện khoa học lớn nhất thế giới dành cho đối tượng học sinh trung học đến từ khắp thế giới. Tổng trị giá giải thưởng năm nay lên tới hơn 4 triệu USD, trong đó, giải nhất trị giá 75.000 USD mang tên Gordon E. Moore, người đồng sáng lập Intel.
 
Nhiều tiềm năng phát triển địa nhiệt. Theo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), các nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam có nguồn địa nhiệt phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát điện công suất nhỏ hoặc áp dụng công nghệ bơm nhiệt đất để điều hòa không khí. Các vùng có địa nhiệt cao là vùng Đông Nam đồng bằng sông Hồng (độ sâu 3.000m có nhiệt độ hơn 140 0C) và ven biển Bình Thuận với diện tích hàng trăm kilômét vuông. Ngoài ra, một số khu vực khác như Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng có nguồn địa nhiệt ở mức cao... có điều kiện để phát điện công suất nhỏ.
Hội nghị Khởi động dự án MOVIMAR tại Quy Nhơn, Bình Định
Hội nghị Khởi động dự án MOVIMAR tại Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh: DDDN)
14 triệu EUR cho hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ Movimar. Bộ NN&PTNT vừa khởi động dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện các hệ thống thông tin quản lý nghề cá một cách hiện đại, quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản mang tính hiệu quả cao và bảo đảm an toàn trên các vùng biển. Tổng kinh phí dự án gần 14 triệu EUR, từ nguồn vốn ODA của Cộng hòa Pháp. Thời gian triển khai từ năm 2011 đến 2013. Theo đó, sẽ xây dựng 3 trung tâm vận hành cơ sở dữ liệu và xử lý ảnh viễn thám về khí tượng thủy văn, hải dương học nghề cá tại TP Hà Nội, tỉnh Hải Phòng và Vũng Tàu; lắp đặt 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá tại 28 tỉnh, thành ven biển…
G.T ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc