Multimedia Đọc Báo in

Chờ đón một “thành phố Buôn Ma Thuột không dây”

18:16, 29/06/2011

Ngày 29-6, UBND tỉnh Dak Lak và Viện Công nghệ thông tin tổ chức Hội thảo “Giải pháp và ứng dụng một số dịch vụ đa phương tiện và hệ thống giám sát môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WIMAX”.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Năm 2010, xét đề nghị của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý việc xây dựng Chương trình Tây Nguyên III. Chương trình được xây dựng với 4 mục cơ bản: Đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên và kinh tế, văn hoá, xã hội của Tây Nguyên sau hơn 20 năm khai thác (kể từ sau Chương trình Tây Nguyên II, năm 1988) nhằm đề xuất và xây dựng luận cứ khoa học công nghệ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn 2030; Cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo; Nghiên cứu đề xuất chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hoá và công nghệ xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ Tây Nguyên; Nghiên cứu cảnh báo thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên Tây Nguyên đồng thời xây dựng các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do các dạng thiên tai này gây ra. 

Lễ ký kết phối hợp thực hiện đề án giữa Viện Công nghệ thông tin và Sở Thông tin và Truyền thông
Lễ ký kết phối hợp thực hiện đề án giữa Viện Công nghệ thông tin và Sở Thông tin và Truyền thông

Hội thảo “Giải pháp và ứng dụng một số dịch vụ đa phương tiện và hệ thống giám sát môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WIMAX” thuộc Chương trình Tây Nguyên III. Dịch vụ WIMAX 4G là một công nghệ tiên tiến, rất hữu ích để cung cấp dịch vụ băng thông ở những vùng sâu vùng xa mà giải pháp ADSL hoặc cáp quang rất tốn kém. Với khả năng phủ sóng rộng, chất lượng tốt và truyền dữ liệu không dây tốc độ cao lên đến 100 _ 120 Mbs, mạng viễn thông WIMAX có nhiều tiện ích, đem lại những ứng dụng trong một số lĩnh vực như: giám sát môi trường; hội nghị truyền hình, cammere IP; dịch vụ internet băng thông rộng không dây; mô hình thành phố không dây; giám sát môi trường sản xuất trong các doanh nghiệp. 

Căn cứ vào đặc tính phủ sóng của thiết bị công nghệ WIMAX, đề án dự kiến triển khai 3 trạm thu phát sóng BTS tại các địa điểm: một trạm tại khu vực đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) cho phép phủ sóng và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức giáo dục đóng trên địa bàn thành phố; một trạm tại khu vực Đài Phát thanh -Truyền hình Dak Lak phủ sóng trung tâm thành phố, các cơ quan hành chính của tỉnh; một trạm tại khu vực Công ty Cà phê Thắng Lợi phục vụ việc triển khai thử nghiệm ứng dụng dịch vụ quan trắc giám sát các thông số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm không khí. 

Theo lộ trình, hệ thống hạ tầng, lắp đặt thiết bị sẽ được Viện Công nghệ thông tin và Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom hoàn thành trong năm 2012, sau đó trong giai đoạn thử nghiệm các khách hàng sẽ được sử dụng miễn phí.

Cùng chờ đón một "thành phố Buôn Ma Thuột" không dây
Cùng chờ đón một "thành phố Buôn Ma Thuột" không dây

Ông Lê Hữu Thịnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dak Lak, (đơn vị được UBND tỉnh giao phối hợp thực hiện) đánh giá: Dịch vụ WIMAX khả thi, mang lại nhiều tiện ích thiết thực đối với khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Dak Lak và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết, đề án này có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phát triển, quy hoạch chung Buôn Ma Thuột hướng tới một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, là điều kiện tốt để xây dựng “thành phố Buôn Ma Thuột không dây” trong tương lai. 

Tại Hội thảo, đại diện Viện Công nghệ thông tin và Sở Thông tin Truyền thông đã ký kết văn bản hợp tác để thực hiện đề án này.

Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên I, từ 1976 - 1980) do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, với mục đích điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên của Tây Nguyên nhằm xây dựng định hướng phát triển của vùng.

Chương trình xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên II, từ năm 1984 – 1988) do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì với sự phối hợp của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam nhằm mục đích đánh giá toàn diện nhu cầu và điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng.
 Đàm Thuần

 

 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.