Chất lượng Internet cáp quang: Khách hàng... "nắm đằng lưỡi"
Dù thị trường dịch vụ truy nhập Internet qua đường cáp quang (FTTx) đang sôi động với gói cước giá rẻ nhưng tiêu chuẩn chất lượng các gói cước này lại do các mạng tự công bố.
Tiêu chuẩn cho các gói cước thấp: nhà mạng tự công bố
Đến tháng 7-2010, Việt Nam có tất cả 7 nhà cung cấp dịch vụ FTTH với giá cước dao động từ 1,5 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng (tùy theo tốc độ) và đối tượng khách hàng nhắm đến chủ yếu là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2011, Viettel, FPT Telecom, VNPT đã liên tục đưa ra các gói cước mới có mức giá thấp hay giảm giá các gói cước. Cụ thể với Viettel là các gói cước mới như FTTH Eco (băng thông 12 Mbps) dành cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc các phòng máy với mức giá khoảng 350 nghìn đồng và mới đây là gói cước FTTH TV (băng thông 10 bps) có mức giá 300 nghìn đồng để nhắm đến đối tượng các hộ gia đình. FPT Telecom cũng đưa ra các gói cước VDSL với băng thông từ 15 Mbps đến 18 Mbps.
Do chưa có tiêu chuẩn chất lượng cho FTTx nên các nhà cung cấp dịch vụ đều tự đưa ra những tiêu chuẩn cho các gói cước mà mình cung cấp. Đại diện các nhà mạng như FPT Telecom, CMC TI, Netnam, VDC/VNPT... đều khẳng định: Bên cạnh các tiêu chuẩn về thời gian lắp đặt, hỗ trợ khách hàng... chung cho tất cả các dịch vụ, các nhà mạng này đều đưa ra tiêu chuẩn về tốc độ cam kết để bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng FTTx. Ví dụ như VNPT, các gói cước FTTH dành cho các doanh nghiệp đưa ra đều có tốc độ truy nhập quốc tế cam kết từ 640 Kbps cho đến 2048 Kbps hay cam kết từ 256 Kbps đến 384 Kbps cho gói cước FiberHomeTV dành cho các hộ gia đình (499 nghìn đồng/tháng). FPT Telecom cũng có cam kết tốc độ từ 640 Kbps đến 768 Kbps (cho gói cước VDSL nhắm đến hộ gia đình đang có mức giá 570 nghìn đồng) hay 1024 Kbps dành cho gói cước FTTH của doanh nghiệp. Giống với FPT Telecom và VNPT, các nhà mạng khác như Netnam, CMC TI đều có cam kết tốc độ cam kết quốc tế tương tự. Còn Viettel, với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, các gói cước FTTH Office, FTTH Pro hay FTTH Pub đều quy định cụ thể tốc độ cam kết từ 640 Kbps tới 1536 Kbps. Mặc dù vậy, những gói cước nhắm vào hộ gia đình gây "sốc" với mức giá dưới 400 nghìn đồng (tương đương ADSL) trong thời gian qua gồm FTTH Eco hay FTTH TV đều không có sự cam kết băng thông tốc độ tối thiểu.
Sẽ kiểm tra các gói cước không bảo đảm chất lượng
Ông Chu Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tiêu chuẩn về FTTx đang được Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Thông tin-Truyền thông) chủ trì xây dựng và sắp ban hành trong thời gian tới. Do hiện nay mới chỉ có các quy định văn bản pháp luật về ADSL, mạng di động và cố định mà chưa có danh mục quy định tiêu chuẩn về FTTx nên cơ quan nhà nước chưa thể tự đứng ra để kiểm tra được chất lượng của các gói cước FTTx.
Trên các diễn đàn, những gói cước FTTH thấp mà doanh nghiệp đưa ra nhận được rất nhiều sự quan tâm của thành viên. Trong số đó có không ít các ý kiến phàn nàn tốc độ tải về từ Rapidshare có tốc độ cao nhất chỉ được 250KB/s, trong khi gói cước ADSL cũ lên đến 560KB/s trên cùng một file tải về. Thành viên quocduytu trên diễn đàn HDVietnam nhận định: Việc hạ giá thành FTTH bằng cách giảm băng thông nước ngoài chẳng khác nào "bình FTTH mà rượu ADSL". Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến cho rằng đó là chuyện bình thường vì "tiền nào của nấy" và "để giảm giá thì buộc phải giảm chất lượng".
Về vấn đề này, ông Bình khẳng định, nếu Cục nhận được nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng các gói cước FTTx mà doanh nghiệp đưa ra thì đơn vị này sẽ tiến hành kiểm tra. "Tuy nhiên, Cục chỉ có thể dựa theo tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đưa ra để kiểm tra và nếu thấy không đạt chuẩn thì dừng lại ở việc nhắc nhở mà chưa thể tiến hành xử phạt vì chưa có quy định cụ thể", ông Bình cho biết. Cũng theo ông Bình, trên thế giới, các nước đều có tiêu chuẩn cho FTTx nhưng việc chọn áp dụng tiêu chuẩn của nước nào để phù hợp với Việt Nam phải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá và sửa đổi lại. Các tiêu chuẩn này dựa trên một số chỉ tiêu như việc kết nối mạng như thế nào, tương thích điện từ, tốc độ băng thông...
Người dùng nên tự bảo vệ mình
Đại diện Viettel cho biết: Thực ra trước đây, ADSL cũng có những gói cước cam kết tốc độ với giá từ 1-2 triệu đồng nhưng khi giá gói cước ngày càng xuống thấp, nếu vẫn giữ cam kết thì sẽ không đủ chi phí để bù đắp. Mạng Internet cáp quang (FTTx) cũng vậy, do cách đây vài năm còn ở mức cao (2-3 triệu đồng) nên mới có cam kết nhưng khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá ngày càng rẻ đi đến mức không thể có tốc độ cam kết thì FTTx sẽ “bình dân” như ADSL hiện nay. Bởi vì, nếu vẫn giữ cam kết, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ phải luôn dành ra một lượng tài nguyên nhất định cho khách hàng, từ đó dẫn đến việc đẩy giá gói cước lên rất cao. “Khi người dùng sử dụng tài nguyên dùng chung (không cam kết) sẽ tiết kiệm được băng thông, giá thành sẽ giảm đi rất nhiều mà vẫn bảo đảm được tốc độ. Từ đó, cả ISP lẫn người dùng đều được lợi”, đại diện Viettel cho biết thêm. Viettel vẫn có các gói cước cam kết dành cho các doanh nghiệp lớn để bảo đảm tốc độ khi sử dụng, còn các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình thì có thể dùng các gói cước không cam kết do đa phần người dùng chủ yếu sử dụng các dịch vụ cơ bản như email, đọc báo… “Những tính năng này gói cước FTTx không cam kết của Viettel hoàn toàn có thể đáp ứng tốt”, đại diện Viettel nhấn mạnh. Về chất lượng các gói cước không cam kết, theo đại diện Viettel, khi đưa ra những gói cước này Viettel đều có kiểm tra và đạt tốc độ tiêu chuẩn chất lượng Internet nói chung của cơ quan nhà nước đưa ra.
Dù chưa có tiêu chuẩn chất lượng cho FTTx nhưng các cơ quan quản lý nên có sự khuyến cáo cho người sử dụng biết để tự bảo vệ mình. Khi chọn gói cước phải xem xét kỹ đặc tính của gói cước đó như có cam kết về chất lượng dịch vụ hay không? Vì nếu không có cam kết “nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào lượng người sử dụng”, còn gói có sự cam kết thì có thể dựa vào đó để đánh giá chất lượng của ISP.
Ý kiến bạn đọc