Multimedia Đọc Báo in

Bán hàng qua mạng xã hội - hình thức kinh doanh mới của giới trẻ

14:45, 28/05/2014
Thay vì thuê ki-ốt, mở cửa hàng để bán hàng, nhiều bạn trẻ thực hiện niềm đam mê kinh doanh của mình trên các trang mạng xã hội facebook, twiter, flickr, blog… khá thành công. Đây là một hình thức kinh doanh hiện đại có nhiều ưu điểm, dễ tiếp cận với khách hàng trẻ tuổi, vốn đầu tư ít…
 
Bạn Nguyễn Thị Khánh, thành viên ban quản trị “shop Khánh Rity”- một trong những shop bán quần áo trên trang mạng xã hội facebook sớm nhất ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để bán được hàng qua mạng, shop phải giữ uy tín với khách hàng bằng việc niêm yết giá cả, thường xuyên cập nhật sản phẩm mới. Nếu quần áo không giống với hình ảnh quảng cáo của nhà sản xuất, shop phải chụp hình sản phẩm thật để đưa lên mạng; thường xuyên trả lời lời bình, tin nhắn của khách hàng... Đặc biệt, giá cả phải thấp hơn các shop ngoài từ 10.000-20.000 đồng/sản phẩm tùy loại; những khách hàng ở xa mua nhiều, phải vận chuyển miễn phí cho khách trên cơ sở cân đối thu chi từng loại sản phẩm để bảo đảm lợi nhuận cho shop. Ưu điểm lớn nhất của hình thức kinh doanh này là không mất chi phí thuê mặt bằng, lại nhẹ nhàng nên được nhiều chị em văn phòng lựa chọn làm thêm.
Bán hàng qua các trang mạng xã hội đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
Bán hàng qua các trang mạng xã hội đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.

Chị Phạm Thị Hạnh, nhân viên văn phòng một doanh nghiệp tư nhân trên đường Lê Thánh Tông (mở shop bán dầu dừa trên mạng) cho hay: chị rất thích kinh doanh, nhưng để mở một cửa hàng quần áo, giày dép hay shop hoa thì vốn đầu tư ban đầu ít nhất là 100 triệu đồng, một số tiền quá lớn so với một sinh viên mới ra trường như chị. Năm 2012, sau một thời gian lên facebook, thấy một số shop bán hàng qua mạng có kết quả nên chị cũng làm thử. Do không có nhiều vốn, chị tự mua dừa quả về làm dầu dừa theo cách truyền thống mà chị đã học được trên mạng rồi giới thiệu (bằng hình ảnh sinh động) trên Facebook của mình với khách hàng và bạn bè gần xa; giá bán mỗi hũ dầu dừa 100 ml là 80.000 đồng, hũ 200ml là 155.000 đồng. Không chỉ làm dầu dừa, với sự khéo tay của mình, chị Hạnh còn làm mứt dừa năm màu hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên: màu trắng của cùi dừa, màu nâu từ cà phê, màu xanh từ lá dứa, màu tím từ củ dền, màu cam từ cà rốt để bán cho khách hàng dịp lễ tết. Hai sản phẩm làm thủ công này được bán với giá thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20.000-30.000 đồng/sản phẩm, tùy loại. Nhờ uy tín, chất lượng luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, cùng với lãi suất vừa phải, nên tuy mới mở hơn 1 năm nhưng shop của chị Hạnh đã có một lượng khách hàng thường xuyên, bình quân mỗi ngày chị bán được 4 sản phẩm, lời khoảng 80.000 đồng, chị dự định sắp tới sẽ bán thêm mặt hàng quần áo.

Về bí quyết gây chú ý cho khách hàng trên trang mạng xã hội, chị Hạnh tâm sự: ban đầu chị chọn đặt các tên ấn tượng như: hội những người ghét thuốc lá, hội những người thích hotboy, hội những người thích girl xinh, hội những người muốn giảm cân… và tải những bức tranh, hình ảnh đẹp, hài hước, cũng như dành thời gian lên mạng kết bạn với thật nhiều người; đến khi có đủ vốn, tìm được sản phẩm và nguồn hàng tốt thì đổi tên và đưa ra chương trình khuyến mãi để chào hàng. Tương tự, dựa vào sức lan tỏa của trang mạng xã hội, một số shop có mặt bằng làm đại lý, cửa hàng hoặc có thương hiệu uy tín tại TP. Buôn Ma Thuột cũng đã nhanh nhạy tiếp cận với hình thức chào hàng này như shop Nụ (đường Hoàng Diệu), Blu, Hali (đường Lê Thánh Tông)…để tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, mặt trái của việc bán hàng qua mạng là một số shop đã bán hàng kém chất lượng làm mất lòng tin của khách hàng. Anh Lê Hoàng Lương, đường Trần Phú bức xúc: dịp Valentine đầu năm, anh có đặt mua của shop Minh Nguyệt trên trang mạng xã hội cặp áo khoác đôi với giá 500.000 đồng. Dù mắc, nhưng nhìn mẫu mã đẹp, được giảm giá nên anh đặt mua. Thế nhưng, khi sử dụng mới biết chất lượng vải rất xấu, giặt một lần đã dãn ra như áo cũ.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt các vi phạm trong kinh doanh qua các website thương mại điện tử: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm công bố thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng nội dung đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; phạt 10 đến 20 triệu đồng hành vi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định… Tuy nhiên, Nghị định 185 không đề cập đến hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cá nhân với cá nhân; trang web facebook không có đại diện (chi nhánh, văn phòng đại diện hay tên miền .vn) tại Việt Nam nên không chịu sự chi phối của Nghị định này. Dù vậy, các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội cũng phải tuân thủ các quy định trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử như bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng, niêm yết giá cả và các chi phí phát sinh trong quá trình mua hàng, không kinh doanh hàng giả, hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh…

Trong thời đại công nghệ thông tin, việc phát triển thương mại điện tử là tất yếu. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của bản thân khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng phải tuân thủ các quy tắc giao dịch an toàn: không để lộ mật khẩu, cảnh giác với các thông tin khuyến mãi quá lớn; đồng thời cần yêu cầu người bán cam kết về chất lượng sản phẩm và quan trọng là phải kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhận…

Nguyễn Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.