Thanh niên với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất đã và đang được các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Qua đó, đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc tổ chức, tham gia các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tích cực vận động thanh niên ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đến nay, đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, giúp thanh niên vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn - Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn cho biết: Hằng năm, Tỉnh Đoàn và Sở Khoa học-Công nghệ thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp cho đối tượng là đoàn viên thanh niên. Tại các buổi tập huấn, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật đến từ Trung tâm Ứng dụng chuyển giao KHKT- Sở KHCN, các học viên đã được tiếp cận và học tập được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực qua các chuyên đề như: kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ bằng men ủ vi sinh vật; trồng cây lạc, cây đậu tương, trồng và chăm sóc cây cà phê, tiêu; thâm canh cây lúa; trồng rau theo công nghệ tiên tiến; trồng nấm; trồng cây măng tây; các vấn đề về nâng cao giá trị trong canh tác cây bơ ghép (giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, đầu ra của sản phẩm)... Năm 2013, Trung tâm đã phối hợp cùng Tỉnh Đoàn tổ chức thành công 3 mô hình ngâm ủ vỏ cà phê tại huyện Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột; 2 mô hình trồng cây đậu lạc tại huyện Krông Bông; 2 mô hình trồng cây đậu tương tại huyện Cư M’gar; 8 mô hình trồng cây bơ tại huyện Krông Năng, Krông Ana, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột...
Anh Nguyễn Đức Cường (SN 1979, Bí thư Chi Đoàn thôn 13 xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đang chăm sóc vườn cà phê 3 năm tuổi của gia đình. |
Hiện nay, đã có nhiều thanh niên thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ áp dụng thành công tiến bộ KHKT vào sản xuất. Điển hình như anh Lê Khắc Tú (SN 1979, Bí thư Đoàn xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) với mô hình nuôi trồng tổng hợp: cà phê, tiêu, gà thả vườn, hằng năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 150 triệu đồng, ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho 7 - 8 lao động theo thời vụ. Anh Lê Khắc Tú cho biết, muốn thành công, điều cần nhất là phải biết nắm lấy thời cơ và mạnh dạn đầu tư đúng chỗ áp dụng KHKT hiệu quả. Hiện anh đang mạnh dạn đầu tư thêm mô hình mới như nuôi dê, bò sinh sản… Hay như trường hợp anh Nguyễn Đức Cường (SN 1979, Bí thư Chi Đoàn thôn 13 xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin), nhờ chịu khó học hỏi, mạnh dạn vay vốn đầu tư và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định, trở thành tấm gương sáng về tinh thần lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo cho thanh niên tại địa phương noi theo. Năm 1995, mới 16 tuổi anh một thân một mình lặn lội từ Hải Phòng vào Dak Lak lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, anh phải làm đủ nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm nấy, dần dà anh tích cóp được ít vốn mua thêm đất trồng cà phê xen tiêu. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật và chăm sóc tốt, hiện tại 1,6 ha cà phê xen tiêu của vợ chồng anh cho thu hoạch bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu của anh Y Miên Niê (SN 1985, dân tộc Êđê, ở buôn Ea Yông B, xã Ea Yông, huyện Krông Pak) cũng rất đáng để nhiều người quan tâm, học tập. Trước đây, Y Miên cũng như nhiều thanh niên khác trong buôn làm ăn khá chật vật, xoay xở mãi với mấy sào đất trồng cà phê, lúa nhưng vẫn không đủ ăn. Học hết cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Y Miên đành gác lại con đường học tập, ở nhà làm nương rẫy. Trăn trở trước câu hỏi làm thế nào để tăng năng suất cây trồng, đem lại thu nhập cao, Y Miên đã tự mày mò tìm đọc trong sách báo, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… Y Miên cho biết, “Qua các lớp tập huấn anh đã học được cách tưới nước cà phê tiết kiệm, chọn các loại giống lúa, làm đất, gieo sạ đúng mùa vụ. Từ nguồn vốn ít ỏi của gia đình anh đầu tư mua 3 con bò sinh sản để vừa có bê con vừa chủ động được nguồn phân bón cho cà phê và lúa. Cuộc sống ngày càng khấm khá, có vốn anh mua thêm đất trồng bắp lai để chủ động nguồn thức ăn vỗ béo cho bò và đàn heo thịt. Hiện nay, với mô hình nuôi gà, heo, bò và canh tác cà phê, thu nhập bình quân của anh trên 100 triệu đồng/năm. Câu chuyện về cách làm giàu của anh Nguyễn Đăng Vinh (SN 1983, Bí thư chi đoàn thôn 3, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) cũng là tấm gương để nhiều đoàn viên thanh niên học tập. Năm 2009 sau khi tham gia lớp tập huấn các mô hình chăn nuôi anh đã thực hiện mô hình nuôi heo nái và heo thịt, mỗi năm thu nhập từ 50 đến 75 triệu đồng. Kết hợp đất vườn còn trống, anh đầu tư nuôi gà thả vườn 500 con tăng thu nhập thêm 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện anh đang nuôi thử nghiệm mô hình nuôi chim bồ câu Pháp...
Với những kết quả đạt được từ việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất đã góp phần giúp thanh niên từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Hy vọng, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quê hương Dak Lak ngày càng giàu mạnh.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc