Thương mại điện tử: Tiện ích và rủi ro
Với sự phát triển bùng nổ mạnh mẽ của Internet và sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị điện tử, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển, trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiện lợi TMĐT cũng đem lại không ít những rủi ro…
Chi phí giao dịch giảm nhiều
Theo tổ chức thương mại thế giới WHO, TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng, phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, bao gồm các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hóa thông qua mạng Internet.
Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, việc phát triển TMĐT là nhu cầu cần thiết và cấp bách để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận, rút ngắn khoảng cách với khách hàng, giảm chi phí kinh doanh, mở rộng không gian kinh doanh. Với người tiêu dùng thì giúp họ tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm mình mua, có sự so sánh giá cả sản phẩm của các doanh nghiệp khác.
Thương mại điện tử đã hỗ trợ nhiều cho hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9. Trong ảnh: Vận chuyển cà phê tại kho của Công ty. |
Nhanh nhạy tiếp cận với hình thức kinh doanh mới này, nhiều DN đã tiếp cận được thị trường lớn hơn. Thành lập Website năm 2005, bắt đầu kinh doanh qua kênh TMĐT từ năm 2009 đến nay, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 đã có bước phát triển mới, tiếp cận được thị trường thế giới. Theo đó, người mua hàng sẽ tìm hiểu thông tin về công ty thông qua website của công ty, trao đổi email, cung cấp thông tin về năng lực, sản phẩm…, sau đó đặt hàng qua email, tin nhắn, fax… khi thỏa thuận giá xong các bên sẽ tiến hành chuyển tiền và xuất hàng. Bằng cách tiếp cận này, doanh thu của công ty từ hình thức kinh doanh TMĐT tăng dần qua các năm, cụ thể niên vụ 2009-2010: 20%, 2010-2011: 40%, 2011-2012:40%, 2012-2013:50%, dự kiến niên vụ 2013-2014 sẽ đạt 55%. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu-thị trường của Công ty cho biết: trước năm 2009, đơn vị chủ yếu kinh doanh qua trung gian môi giới, không có sự tiếp cận giữa người bán và người mua cuối cùng, nên độ chênh lệch giá cao, không có sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường và đầu ra của sản phẩm, do đó, thường xuyên bị ép giá. Nhưng từ khi tiếp cận được hình thức kinh doanh TMĐT thì khoảng cách giới hạn về địa lý không còn, chi phí giao dịch giảm ít nhất 50%; đồng thời tạo sự tương tác giữa bên mua và bên bán nên chất lượng nông sản ngày càng tăng cao, đáp ứng các nhu cầu khắt khe của khách quốc tế. Nắm được thế mạnh của TMĐT, chị Trần Thị Phương Thu, chủ cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu, đường Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, cơ sở của chị đã có website giới thiệu mặt hàng lưu niệm thổ cẩm, thời gian tới chị sẽ tiến hành buôn bán, kinh doanh thông qua kênh TMĐT. Theo đó, khách hàng chỉ cần vào website xem, đặt hàng, chuyển tiền qua thẻ ATM; khi nhận được tiền, cửa hàng sẽ chuyển hàng cho khách. Tuy nhiên, TMĐT cũng có những mặt hạn chế của nó, như mức độ bảo đảm thông tin cá nhân, tài khoản của khách hàng, chủ DN chưa cao, do đó cần sự đồng bộ trong hệ thống cơ sở vật chất, pháp lý tương xứng.
Đừng quên cảnh giác với website bán hàng lừa đảo
Với chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng, với vài cú click chuột, ta dễ dàng bắt gặp các website TMĐT bày bán với đủ chủng loại hàng hóa, từ máy tính, điện thoại đến máy móc, mỹ phẩm, nông sản... Chỉ cần có nhu cầu, người bán có thể thuê các công ty chuyên thiết kế website bán hàng tạo lập website có chức năng đăng bán sản phẩm, thu chi, ghi nhận đơn hàng… với mức phí thiết lập ban đầu khoảng 10 triệu đồng và phí vận hành 2-3 triệu đồng/năm. Những người chưa có kinh phí thì sử dụng các trang mạng xã hội Facebook, Flick hay các diễn đàn lamchame, yeutretho…. để bán hàng. Người bán hàng chủ động được thời gian, có thể kết hợp làm nhiều việc cùng một lúc, thậm chí vừa đi du lịch vừa bán hàng; còn khách hàng ở nhà vẫn mua được hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí xăng xe… Tuy nhiên, một số cá nhân đã lợi dùng hình thức mua bán dễ dàng này để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bán hàng đa cấp làm mất lòng tin của người tiêu dùng như cơn lốc MB24, trogia.vn... Thực tế hiện nay tình trạng mua phải hàng kém chất lượng trên kênh TMĐT rất phổ biến, chị Trần Thị Phương Nhung, đường Ama Khê cho biết: do ham mê đọc sách nhưng thị trường sách tại TP. Buôn Ma Thuột chưa phát triển nên chị đã tìm đến một website mua sắm trực tuyến tiki. Sau khi thanh toán tiền 2 ngày thì nhận được sách từ TP. Hồ Chí Minh chuyển lên, nhưng chất lượng sách thấp. Bìa mới, bóng, đẹp nhưng giấy bị ố vàng nhìn như sách cũ.
Được triển khai tại Dak Lak từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 100 DN và cá nhân hoạt động mua bán trên kênh TMĐT chuyên nghiệp, trong đó có khoảng 21 DN và cá nhân đã đăng ký hoặc thông báo với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương. TMĐT đã mang đến nhiều tiện lợi cho người dân, tuy nhiên hình thức kinh doanh này vẫn đang là lĩnh vực khá mới mẻ không chỉ với các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh mà còn với hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh. Giao dịch truyền thống (đến tận nơi xem hàng rồi mua) vẫn chiếm thế mạnh, nên nhiều đơn vị chưa dám mạnh dạn ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh mua-bán. Cơ sở hành lang pháp lý để bảo đảm cho hoạt động TMĐT chưa được đầy đủ, chưa ràng buộc được các bên tham gia, nên tình trạng bán hàng không giống như mẫu quảng cáo còn khá phổ biến... Bên cạnh đó các DN đăng ký kinh doanh qua kênh TMĐT trên địa bàn tỉnh, nhưng cư trú ở nơi khác vẫn bán hàng nên công tác quản lý còn nhiều bất cập. Do vậy, để TMĐT phát triển theo hướng bền vững, phát huy được những lợi thế của nó, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cần chung sức, góp công xây dựng cùng với hệ thống thanh toán tương xứng khi mua bán qua kênh TMĐT để giảm rủi ro cho người kinh doanh.
Theo Sở Công thương Dak Lak, TMĐT là một hình thức kinh doanh mới, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ sử dụng Internet của người dân chưa đồng đều, khả năng khách hàng phân biệt được các website giả mạo chưa cao, hình thức thanh toán chưa bảo đảm… Hiện nay, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn quy trình thông báo, đăng ký hoạt động TMĐT cho các DN, cá nhân. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn về TMĐT cho các DN, đồng thời xây dựng, kế hoạch triển khai thực hiện, phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc