5 xu hướng tương tác giữa người và máy tính trong vòng 25 năm tới
Với xu hướng phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp máy tính, tin học và y học, dự kiến đến năm 2039 sẽ xuất hiện một số tương tác độc đáo giữa người và máy tính như đề cập dưới đây:
Bộ phận cơ thể có thể "nói chuyện" được với nhau: Một nhóm chuyên gia ở Công ty IBM (Mỹ) tiên đoán, nhờ kỹ thuật cấy ghép nội tạng và công nghệ tin học "giao thoa", y học có thể cấy ghép các thiết bị giám sát vào cơ thể, tạo ra một mạng lưới có tên Arterionet nhằm cung cấp nhiều dữ liệu vô giá, giúp phòng tránh, chữa được nhiều căn bệnh nan y. Khi ứng dụng kỹ thuật này, những thiết bị đeo trên người dần dần sẽ bị "tuyệt chủng" vì cồng kềnh, gây khó chịu bởi mạng Arterionet có kích thước cực nhỏ lại an toàn, thậm chí còn khắc phục được cả tình trạng thiếu hụt bộ phận hiến tặng.
Cây trồng mang nanochip: Để hiểu được nhu cầu của cây trồng, kể cả những "suy nghĩ" lẫn nhu cầu dưỡng chất, thậm chí cả chiều cao, giúp cho việc canh tác trong nhà kính được thuận lợi, một nhóm chuyên gia ở Đại học California (Mỹ) đã phát minh ra chương trình mang tên Planstastic. Khi ứng dụng phần mềm này sẽ cho con người biết nên canh tác loại cây trồng nào là phù hợp với khu đất của gia đình, dựa vào nanochip được cấy trong thân cây, để cây trồng phản hồi thông tin cho Planstastic. Theo ước tính nếu sử dụng Planstastic cho mảnh vườn canh tác 2 vụ sẽ tăng năng suất 4-12%.
Con người làm gì khi ôtô không cần người lái? Cách đây không lâu, khoa học đã đưa ra dự báo, đến năm 2019, ôtô không người lái sẽ ra đời và hiện tại ở bang Nevada, Mỹ xe không người lái của Google đã được cấp phép đi vào hoạt động. Đề cập đến xu hướng nói trên, nhóm chuyên gia ở Viện Tính toán IPC ở Linz (Áo) tiên đoán, với việc ra đời xe ôtô tự lái sẽ làm cho cuộc sống con người tiến hóa. Khi rôbot đảm nhận việc này thì xu hướng chuộng xe hơi như hiện nay sẽ tự biến mất, thậm chí nhiều người sẽ không mua ôtô và không phải mất nhiều thời gian để cầm vô lăng nữa, thay vào đó sẽ ra đời các công việc sáng tạo (Creation parks) để những người thích lái xe có thể thực hành, hay còn gọi là môi trường lái xe nhân tạo.
Cấy ghép não sẽ trở thành hiện thực: Một trong những điểm nhấn về xu hướng tương tác con người và máy tính trong vòng 25 năm tới là việc cấy ghép não, tạo ra sự tương tác trực tiếp giữa người và máy tính ở cấp độ cao. Nhờ sự tương tác này người ta có thể thu thập được thông tin giác quan, ghi âm trực tiếp hệ thần kinh của não bộ và rất nhiều thông tin quan trọng khác. Tiên phong trong lĩnh vực này, các chuyên gia ở Đại học Helorew (Israel) hiện đang bắt tay thiết kế các thiết bị có thể ghi lại được các thông tin hằng ngày diễn ra trong não, giúp con người chia sẻ các thông tin với những người khác. Trong khi đó, nhóm chuyên gia ở IBM Research của Mỹ lại cho ra đời những thiết bị có thể nhắc nhở con người khi quên một điều gì đó, hay còn gọi là hệ thống nhắc thông tin, giúp con người không bị lú lẫn vì tuổi tác và rất nhiều ứng dụng khác.
Tương lai sẽ có thêm ngón tay thứ 6: Do cuộc cách mạng tin học, máy tính phát triển nên người ta dự báo, nếu con người có thêm ngón tay nữa sẽ tận dụng tối đa các chức năng thiết bị đa phương tiện. Điều này không phải con người tiến hóa có thêm ngón tay sinh học mà là nhờ phẫu thuật. Ông Johannes Schoning, chuyên gia máy tính ở Đại học Hasselt University (Bỉ) dự báo đến năm 2039 sẽ có hàng trăm người có thêm ngón tay thứ 6, mỗi bàn tay có thêm 1 ngón thì các chức năng của bàn tay sẽ đạt tới mức tối đa. Tuy nhiên kích thước sẽ được tính toán tối ưu và được "vi tính hóa" để đạt công suất mong muốn mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Khắc Nam
(Theo BBC-10/2014)
Ý kiến bạn đọc