Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp: Cách làm hiệu quả ở Ea Kpam

15:53, 18/05/2016

Nhằm tận dụng các loại phế phẩm có sẵn trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế nguồn chất thải ra môi trường, từ nhiều năm nay, nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư Mgar) đã nhân rộng mô hình ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Gia đình ông Hồ Sĩ Huệ (thôn 6) có hơn 1,5 ha cà phê. Trước đây, sau khi thu hoạch, vỏ cà phê được đều được đổ trực tiếp và gốc cây. Tuy nhiên, hơn 5 năm nay, khi được Hội Nông dân xã chuyển giao mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông đã tận dụng vỏ cà phê và phân chuồng, men vi sinh để ủ phân. Lúc đầu, do thiếu kinh nghiệm và làm sai phương pháp nên chất lượng phân không tốt. Dù vậy ông Huệ vẫn kiên trì thực hiện bởi theo theo tính toán, với hơn 2,5 tấn vỏ cà phê thải ra mỗi năm, nếu đem ủ có thể thu được hơn 10 m3 phân vi sinh. Trong khí đó, chi phí đầu tư để sản xuất 1 tấn phân vi sinh chỉ cần khoảng 600 – 700.000 đồng, trong thời gian ủ khoảng 3 tháng là có thể đem bón cho cây trồng. Tính ra, gia đình ông tiết kiệm được từ 30 – 35% chi phí so với việc bón các loại phân hóa học. Với cách làm trước đây, vỏ cà phê chưa qua xử lý mà bón trực tiếp vào gốc cây thì lượng dinh dưỡng mà rễ cây hấp thu được từ vỏ rất ít; mặt khác, đây là môi trường thuận lợi để một số vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho cây cà phê. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp ủ phân vi sinh đã giúp chất lượng sản phẩm cây trồng cao hơn; tăng độ phì nhiêu, làm đất tơi xốp; hạn chế xói mòn đất và rửa trôi các chất dinh dưỡng; làm sạch nguồn nước; giảm sâu bệnh; tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động…

Tương tự, gia đình anh Trần Văn Toàn, thôn trưởng thôn 6 cũng đã áp dụng mô hình ủ phân vi sinh vào thực tế sản xuất từ nhiều năm nay. Theo anh, cách làm này đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất cây trồng; đặc biệt không còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ cà phê được thu gom rồi đốt hoặc vứt bừa bãi như trước đây.Với chị Nguyễn Thị Bình (thôn 6) thì sau khi thấy hiệu quả từ cách làm của nhiều hộ dân trong thôn, đến cuối năm 2014 chị mới mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Sau khi thu hoạch, chị nhận thấy chi phí đầu tư phân bón đã giảm được 30%, năng suất cây trồng cũng cao hơn năm trước, lợi nhuận thu được từ 1 ha trồng cây cà phê và hồ tiêu của gia đìnhnhờ đó tăng lên đáng kể. Hiện nay, chị đang tiếp tục ủ hơn 1 tấn vỏ cà phê để chuẩn bị bón cho cây trồng trong mùa vụ tới.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam Nguyễn Văn Thanh (thứ hai từ trái sang)  chia sẻ cách ủ phân vi sinh với người dân địa phương
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam Nguyễn Văn Thanh (thứ hai từ trái sang) chia sẻ cách ủ phân vi sinh với người dân địa phương.

Cũng từ khi các hộ dân áp dụng mô hình ủ phân vi sinh tại gia đình, tình trạng ô nhiễm môi trường từ phế phẩm nông nghiệp được xử lý tốt hơn; không còn tình trạng vỏ cà phê, cùi ngô vứt bừa bãi; các loại phân chuồng như phân heo, gà, bò cũng không gây mùi hôi thối bởi tất cả đều được người dân tận dụng để làm phân vi sinh… Được biết, toàn xã Ea Kpam có trên 2.400 ha cà phê, với năng suất bình quân 3 tấn/ha, như vậy, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 3.000 tấn vỏ. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Để giúp bà con nông dân tận dụng được lượng phế phẩm này một cách hữu ích nhất, Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh. Đến nay 95% hộ dân trên địa bàn xã Ea Kpam đã áp dụng sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư từ 4,8 – 5,7 tỷ đồng mỗi năm. Điều quan trọng là nông dân đã biết đầu tư sản xuất theo hướng vì một nền nông nghiệp bền vững, cải tạo đất và làm sạch môi trường sống.

Có thể nói, việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân vi sinh đã được triển khai từ nhiều năm nay và ở nhiều địa phương, hiệu quả mang lại cũng đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, trong khi ở nhiều nơi, nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà với mô hình này thì việc gần 100% hộ dân xã Ea Kpam hưởng ứng thực hiện cho thấy nhận thức của họ đã dần thay đổi. Quả thật, việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp khá đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn; hơn thế nữa, đây còn là cách bảo vệ môi trường nông thôn khỏi ô nhiễm do hoạt động sản xuất gây ra và là hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.