Multimedia Đọc Báo in

Thảm họa vỡ đập Vajont: Bài học đắt giá về xây dựng, vận hành thủy điện

06:21, 25/03/2021

Vụ vỡ đập Vajont ở Italia mang theo gần 50 triệu m3 nước, cướp đi mạng sống của gần 2.500 người được coi là một trong những thảm họa kinh hoàng, cướp đi nhiều sinh mạng nhất diễn ra vào đầu thập niên 60 ở thế kỷ trước.

Vajont hay Vaiont (Vajont Dam) là một con đập khổng lồ được xây dựng ở miền bắc Italia. Đây là một trong những con đập vĩ đại nhất thế giới do kỹ sư Carlo Semenza (1893 –1961) thiết kế, cao 262 m, nằm trong thung lũng sông Vajont ở Monte Toc, trong đô thị Erto e Casso, cách TP. Venice 100 km về phía bắc,.

Dự án xây dựng đập Vajont vốn được Chính phủ Benito Mussolini phê duyệt lần đầu trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. SADE (Soci-età Adriatica di Elettricità), một trong những công ty điện lớn nhất của Italia đã tham gia việc xây dựng con đập này. Đập Vajont chính thức được khởi công vào năm 1957. Năm 1962, con đập được quốc hữu hóa và đặt dưới sự kiểm soát của ENEL thuộc Bộ Công chính Italia.

Ngày nay đập Vajont là địa danh du lịch để nhắc nhở hậu thế cần tôn trọng và bảo vệ môi trường.
Ngày nay đập Vajont là địa danh du lịch để nhắc nhở hậu thế cần tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Hẻm núi sông Vajont là một trong những hẻm tự nhiên sâu nhất trên thế giới. Đập Vajont ra đời là thành tựu quan trọng, cung cấp nhu cầu năng lượng cho toàn bộ vùng Đông Bắc Italia. Tuy nhiên, vấn đề là đỉnh núi bên phải của con đập có tên Monte Toc (Núi đi bộ) lại là mối nguy lở đất tiềm ẩn.

Thực ra, “Ngày tận thế” của đập Vajont dường như đã được báo trước. Ngay từ khi dự án khởi công, người ta đã thấy những vấn đề bất an về địa chất. Ví dụ, vào năm 1959, các kỹ sư phát hiện thấy việc xây dựng đập là nguyên nhân phát sinh đất lở khắp thung lũng. Đến giữa 1962, hiện tượng động đất xuất hiện dày hơn ở các thành phố kề cận đập như Erto và Casso.

Mặc dù nguy cơ đã được báo trước nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng đây là tin bịa đặt, phá hoại trật tự xã hội. Thay vì tìm cách đối mặt với mối nguy tiềm ẩn, người ta lại chọn cách che đậy. Năm 1960 SADE bắt đầu cho tích nước lòng hồ. Đến tháng 10-1960, mực nước đã lên tới gần 170 m khiến áp lực đè lên những ngọn núi xung quanh tăng. Ngay lập tức, các vết nứt bắt đầu xuất hiện trên các mặt núi ở hai bên hồ, có những vết nứt dài tới 1,9 km.

Đến tháng 11-1960, nước lòng hồ đạt độ cao 270 m. Không chịu được áp lực nước, những ngọn núi quanh hồ bắt đầu xuất hiện trượt đất. Các sườn đồi xung quanh bị xé toạc, giải phóng gần 1 triệu m3 đá. Giải pháp tình thế, SADE nhanh chóng hạ mực nước xuống thấp song kỹ sư trưởng của SADE chua xót thừa nhận: “Việc ngăn chặn lở đất là vô vọng, bởi tất cả các phương tiện cần phải áp dụng đều nằm ngoài giới hạn của con người”.

Chỉ vài tháng sau khi trận lở đất đầu tiên diễn ra, SADE lại nâng mực nước lên cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Đến 1963 con đập được lấp đầy nước. Cái gì đến sẽ đến, vào ngày 9-10-1963, hiện tượng cây cối và đất sạt lở bắt đầu xuất hiện. Vào lúc 10 giờ 39 phút tối, một khối núi khổng lồ khoảng 260 triệu m3 bắt đầu đổ nhào với tốc độ khủng khiếp 109 km/h từ đỉnh Monte Toc. Khi khối núi này rơi xuống hồ, tạo ra con “sóng thần” cao 250 m và làm dịch chuyển 50 triệu m3 nước trong lòng hồ.

Trận “sóng thần” cực lớn đã phá hủy hoàn toàn các ngôi làng ở thung lũng Piave bên dưới hạ lưu đập, cướp đi tính mạng của gần 2.500 người. Toàn bộ thị trấn xung quanh bị “sóng thần” quét sạch, gần 1/3 dân số của thị trấn Longarone thiệt mạng.

Sau đó, những người may mắn sống sót đã phát đơn kiện. Năm 1969, một phiên tòa được công khai tổ chức, Chủ tịch công ty xây dựng đập, Chủ tịch Hội đồng công trình công cộng khu vực, kỹ sư trưởng công ty đều bị kết tội ngộ sát, với mức án tù 6 năm cho mỗi người. Nạn nhân sống sót đã được đền bù sau những cuộc chiến pháp lý cam go, bền bỉ. Tuy nhiên, sự cố vỡ đập Vajont là bài học lớn cho con người khi quá tin vào tiến bộ công nghệ mà không tôn trọng tự nhiên.

Nguyễn Duy (Dịch từ AIC – 2/2021)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.