Nghệ thuật thế giới thời COVID
Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả nghệ thuật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khó khăn đã “ló” ra nhiều sáng tạo nghệ thuật mới, mang đậm dấu ấn thời… COVID.
Tác phẩm nghệ thuật “đi ra” từ khẩu trang
Khi đại dịch COVID-19 “phủ sóng” toàn cầu, nó làm thay đổi cách mọi người sống và làm việc. Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ tạm thời hoặc vĩnh viễn mất hợp đồng, suy giảm thu nhập. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có không ít nghệ sĩ vẫn đứng vững, thậm chí “sống khỏe” nhờ những sáng tạo mới…
Như trường hợp nữ họa sĩ Ece Gunacar, người Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên thiết kế, vẽ tranh cho dệt may, giải trí đã chuyển sang vẽ tranh trên khẩu trang, mặt nạ. Gunacar là họa sĩ khá nổi tiếng ở Istanbul với nghệ danh Ece Gauer. Khi đại dịch xảy ra, đề tài về COVID-19 ngay lập tức xuất hiện trên các tác phẩm của chị.
Bức họa Sofra của Ece Gunacar. |
Ngoài vẽ tranh trên khẩu trang, Ece Gunacar còn vẽ phim hoạt hình về đề tài COVID-19. Đây là những tác phẩm được khán giả nhí ưa thích. “Những nhân vật trong tranh là những người nổi tiếng như Mona Lisa, Van Gogh, Frida... luôn luôn mang khẩu trang, mặt nạ và được trang điểm bắt mắt, rất ngộ nghĩnh, ưa nhìn. Nhờ nó mà khán giả nhỏ tuổi hiểu thêm về vi rút SARS-CoV-2 để phòng tránh bệnh hiệu quả hơn”, Ece Gunacar tiết lộ thêm.
Nghệ thuật phục vụ bệnh nhân COVID-19 ngay trong bệnh viện
Swapneil Parikh là nhà nghiên cứu nội khoa và lâm sàng trong phòng thí nghiệm phân tử của Bệnh viện bệnh truyền nhiễm Kasturba ở Mumbai (Ấn Độ). Chị đồng thời là một họa sĩ tài ba được đồng nghiệp kính trọng, tôn vinh. Theo Swapneil Parikh, kể từ tháng 5-2020 cơ sở y tế của chị tại Mumbai gặp nhiều khó khăn do số ca COVID-19 tăng vọt buộc bệnh viện phải thành lập các trung tâm dã chiến, trạm xét nghiệm, phòng khám sốt... Ngoài việc cùng các đồng nghiệp và quan chức chính phủ xây dựng những cơ sở này ở Mumbai, Swapneil Parikh cùng đồng nghiệp Rajit Shah còn xây dựng một công ty y tế có tên DIY.health.
Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại MCAS của Công ty y tế DIY.health ở Mumbai (Ấn Độ). |
Một trong những dịch vụ đặc biệt, lý thú của DIY.health là sử dụng nghệ thuật để “trị bệnh”. Đúng hơn là “biến” không gian phòng bệnh thành triển lãm, mang lại niềm vui và hy vọng cho bệnh nhân. DIY.health có hẳn một phòng trưng bày nghệ thuật với tên gọi Method Contemporary Art Space, gọi ngắn là MCAS (tạm dịch: Phương pháp không gian nghệ thuật đương đại). Chủ đề của MCAS bắt nguồn từ sáng kiến “A Brighter Day” (Một ngày tươi sáng hơn) nhằm mang ánh sáng cho những không gian u tối, nhắc nhở mọi người rằng một ngày tươi sáng hơn đang đến gần.
Ngoài ra, Swapneil Parikh cùng Rajit Shah đã triển khai thêm lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số và đã được hàng trăm người đăng ký, từ đó kêu gọi thêm nhiều nguồn quyên góp ủng hộ cho bệnh viện dã chiến. Nhờ những tác phẩm nghệ thuật thủ công và nghệ thuật số, bệnh nhân và nhân viên y tế được tiếp thêm sức mạnh, nỗi đau được xoa dịu, nhân viên, bác sĩ được tiếp thêm niềm vui và năng lượng để phục vụ bệnh nhân.
Những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ COVID-19
Trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành, các nghệ sĩ toàn cầu vẫn đoàn kết, làm việc; từ đó nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ dịch bệnh ra đời, mang lại niềm tin và hy vọng cho nhân loại.
Điển hình như tác phẩm “Meanwhile in Hong Kong” (ở Hồng Kông) của Tommy Fung nói về hình ảnh đám đông chen chúc giành chiếc khẩu trang ở trên cao, hay cảnh một người đàn ông với khuôn mặt hình xúc tu bạch tuộc giữa chốn đông người nhưng không mang khẩu trang, được đặt tên “Phản ứng của bạn thế nào khi thấy ai đó không đeo khẩu trang thời COVID”. Theo Tommy Fung, những tác phẩm của anh không nhằm soi mói mặt trái của xã hội, mà muốn nói lên thực trạng. Phản ứng và hành vi của mọi người đối với COVID-19 đôi khi “siêu thực” so với tác phẩm của nghệ thuật anh, và thật khó để diễn tả điều đó một cách trọn vẹn. Nó chứa cả chất bi lẫn hài, khiến mọi người cần rút bài học để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Duy Nguyễn
(Dịch từ Washingtonpost/AN- 6/2021)