Multimedia Đọc Báo in

Dấu hiệu thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ - cách phòng ngừa

10:19, 09/06/2010

 

Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và chất khoáng, tuy không cung cấp năng lượng nhưng lại không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Ở trẻ em, nhu cầu về vitamin và chất khoáng rất lớn. Nếu bị thiếu hụt một loại vitamin hay chất khoáng nào đó cơ thể trẻ sẽ có những dấu hiệu rất dễ nhận biết như trẻ biếng ăn, sức đề kháng giảm khiến hay đau ốm, chậm lớn. Ngoài ra việc thiếu từng chất cụ thể sẽ có những dấu hiệu đặc trưng, cụ thể như sau:
Nếu trẻ có dấu hiệu khô mắt, sợ ánh sáng, nhiều nước mắt, da của trẻ khô ráp, hay ho là bị thiếu vitamin A. Vì thế trẻ chậm lớn, mệt mỏi, không chịu chơi. Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, gan động vật, thịt lươn; trong những trái cây có màu đỏ như đu đủ, hồng, gấc; trong rau dền đỏ,…
Thiếu vitamin nhóm B, trẻ bị phù nề, dễ mọc mụn quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, trẻ hay quấy khóc, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy), hay nôn, không tăng cân, nước tiểu ít. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, phó mát…
Dấu hiệu nhận thấy trẻ thiếu vitamin C, E là trẻ dễ bị sún răng, răng vàng, lợi sưng đỏ, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, trẻ bị thiếu máu, chóng mệt mỏi khi hoạt động. Thiếu vitamin C, E làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn. Vitamin C, E có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót,…
Vitamin D có chức năng tăng cường hấp thu canxi từ thức ăn, bảo đảm cho quá trình tạo xương và các chức năng sinh lý (có liên quan đến nồng độ canxi) hoạt động bình thường, giúp tái tạo hấp thu canxi, phốtpho tại ống thận. Thiếu vitamin D và canxi, trẻ bị ra nhiều mồ hôi trộm, tóc rụng thành một vành sau gáy, răng mọc chậm, chậm biết bò, chậm biết đi, khi ngủ trẻ hay giật mình, bực tức, khó chịu. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan,... hay bổ sung bằng việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên khi sử dụng vitamin D liều cao hoặc kéo dài dễ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D (còn gọi là cường vitamin D) làm tăng canxi huyết và dẫn đến hàng loạt các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, miệng khô, chuột rút, buồn nôn, đau cơ, đau xương,... có khi còn gây nhiễm canxi thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim,... Do vậy, để tránh hậu quả do thừa vitamin D gây ra, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc vì liều sử dụng vitamin D rất khác nhau cho từng trường hợp bệnh hay từng cá nhân. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, phó mát,…
Thiếu vitamin PP, trẻ dễ bị tiêu chảy, hay bị viêm miệng và lưỡi, hơi thở hôi. Vitamin PP có nhiều trong các loại ngũ cốc (đậu, lạc, vừng, gạo,…), trong rau đay, rau ngót,…
Thiếu vitamin K sẽ làm cho trẻ bị xuất huyết, đặc biệt có thể gây xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh. Trong chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin K gây ức chế quá trình phát triển của xương và răng nên trẻ chậm lớn và chậm mọc răng, xương giòn và xốp. Vitamin K có nhiều trong các loại rau chứa nhiều lá xanh như rau cải xoăn, rau dền, ngò tàu (mùi tàu),…Ngoài ra, bơ, gan bò cũng có chứa vitamin K.
Thiếu sắt (Fe), da dẻ của trẻ xanh, nhợt nhạt, môi không hồng, móng tay màu nhợt, mềm và dễ gãy. Trẻ hay ngứa gãi, dễ mệt mỏi nên ít đùa nghịch. Sắt có nhiều trong gan, bầu dục lợn (cật), mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim lợn, mộc nhĩ, nấm hương.
Thiếu kẽm (Zn) khiến chiều cao kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ yếu. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.
Để tránh cho trẻ bị thiếu chất gây ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, những người nuôi dưỡng trẻ cần chú ý đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, bảo đảm bữa ăn có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết:
- Nhóm giàu chất đạm:
Cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể con người không thể tự động tổng hợp được. Các chất đạm động vật thường là có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối. Các thức ăn thực vật như các loại họ đậu cũng là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng cho bữa ăn.
- Nhóm giàu chất béo:
Là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể. Dầu thực vật chứa nhiều “acid béo không no” rất cần thiết để  xây dựng màng tế bào thần kinh cho trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi. Một số gia đình có xu thế thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng dầu thực vật là chưa hợp lý bởi vì các “acid béo không no” có nhiều trong dầu thực vật khi chuyển hóa không hoàn toàn sẽ tạo thành các sản phẩm trung gian ảnh hưởng tới sức khỏe. Nên giữ chất béo động vật chiếm khoảng 60% tổng số chất béo của khẩu phần.
- Nhóm giàu chất bột:
Ngũ cốc thường được dùng làm thức ăn cơ bản và nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của khẩu phần. Ngoài ra ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.
- Nhóm thức ăn cung cấp vitamin và chất khoáng:
Rau xanh, trái cây chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn, nhất là vitamin C và caroten như rau ngót, rau muống, cà rốt, bưởi, đu đủ, cam, xoài,…Đặc biệt, vitamin trong trái cây chín không bị phá hủy khi trái giập nát, nhưng lượng vitamin này sẽ bị mất mát nhiều khi rau bị dập nát.
 Vì thế dùng rau tươi, tránh làm rau bị giập nát khi vận chuyển, thái rau xong nấu ngay và nấu rau xong ăn ngay là cách tốt nhất để hạn chế mất mát các vitamin có trong rau. Muối ăn là gia vị dùng hàng ngày nhưng thực ra chỉ cần dùng một lượng rất ít. Song song với việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng để thức ăn không là nguồn gây bệnh. Số bữa ăn/ngày phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ lao động.
Món ăn có màu sắc, mùi vị hấp dẫn, ăn đúng bữa, khi cơm vừa chín tới, thức ăn được nhai kỹ và khi ăn thoải mái, vui vẻ, ngon miệng thì sẽ kích thích men tiêu hóa tiết ra nhiều, tiêu hóa tốt và có tỷ lệ hấp thu vào cơ thể tăng lên. Ngoài ra các bậc cha mẹ cần giúp trẻ duy trì các hoạt động thể dục thể thao, phù hợp với mọi lứa tuổi và tình trạng sức khỏe và nhất là ăn uống phải đảm bảo vệ sinh. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện thiếu vitamin cần đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Hồng Vân (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc