Multimedia Đọc Báo in

Suy dinh dưỡng và biện pháp phòng ngừa

09:16, 28/07/2010

Suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ ngừng phát triển do thiếu nhiều chất dinh dưỡng, phổ biến nhất là thiếu chất đạm và chất béo. Tùy mức độ và thời gian bị suy dinh dưỡng mà ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng, tâm thần, vận động và trí thông minh của trẻ.

 

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2009, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta là 18,9%, đặc biệt tỷ lệ thấp còi quá cao (32,6%) và khá chênh lệnh giữa các địa phương. Tại tỉnh ta, tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 28,4%. Ngân hàng Thế giới ước tính ở Việt Nam suy dinh dưỡng thấp còi làm giảm 5% GDP hằng năm. Như vậy, suy dinh dưỡng gây thiệt hại về kinh tế, kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng tới nguồn nhân lực và nòi giống.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là tình trạng thấp còi liên quan tới dinh dưỡng bào thai, biểu hiện ở cân nặng và chiều dài của trẻ khi vừa sinh ra. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân do không tận dụng nguồn sữa mẹ, cho trẻ ăn dặm không hợp lý, không biết cách lựa chọn thực phẩm, kiêng khem quá mức. Biểu hiện của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Có thể nhận ra trẻ bị suy dinh dưỡng dựa vào cân nặng của trẻ như không tăng cân so với tháng trước hay nhẹ cân hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi.

Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận thấp còi là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời. Chính vì vậy, trước khi mang thai người mẹ cần chuẩn bị về sức khỏe của mình như: thay đổi chế độ ăn uống để bảo đảm cân nặng vì theo các nhà chuyên môn, phụ nữ gầy có thể có nguy cơ sảy thai hoặc nếu mẹ quá béo, con sinh ra có nguy cơ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường,... (chỉ số dùng để đánh giá mức độ gầy béo của mỗi người theo Tổ chức Y tế thế giới: BMI= W /H2 (W: cân nặng (kg), H: chiều cao (m)).  Nếu chỉ số BMI < 18,5 là gầy, BMI > 30-40 là béo); đồng thời cần tiêm phòng một số bệnh như Rubella, cảm cúm,... và đừng quên tẩy giun cho cả gia đình. Ngoài ra, việc bổ sung viên sắt là rất quan trọng. Ngay từ tuần đầu tiên mang thai, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, canxi và đặc biệt là iôt.

Bên cạnh đó cũng cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khác giúp thai nhi tăng trưởng và dự trữ để phát triển sau những tháng đầu mới chào đời. Trẻ phải được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng tuổi. Khi trẻ 7 tháng tuổi, người chăm sóc trẻ cần cho trẻ ăn dặm hoặc có thể cho trẻ ăn sớm hơn tùy nhu cầu của trẻ. Để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột (gạo, ngô, khoai,...), chất béo (dầu, mỡ, bơ,...), chất đạm (thịt, cá, trứng sữa, đậu nành,...), các chất khoáng và vitamin (rau, củ, trái cây các loại). Điều quan trọng là cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày vì trẻ nhỏ không thể ăn một lần với số lượng lớn thực phẩm. Ngoài việc chăm sóc trẻ về dinh dưỡng, cũng cần phòng bệnh cho trẻ như tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo lịch, đồng thời chăm sóc cả về mặt tâm lý, tình cảm.

 

 Hồng Vân (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc