Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái
Sau những ngày làm việc bận rộn, ngày cuối tuần, những cán bộ, y bác sĩ trẻ lại khoác ba lô về với vùng sâu vùng xa làm công tác tình nguyện với tinh thần “nơi nào khó có thanh niên”. Và những trái tim tình nguyện ấy đã làm ấm lòng bao bệnh nhân nghèo.
Về với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để khám chữa bệnh cho người dân nghèo, đó là một trong những hoạt động thường xuyên của những cán bộ, y bác sĩ trẻ - thành viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh. Bác sĩ Ngô Văn Hùng, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh cho biết: Hội là nơi gặp gỡ của những cán bộ, y bác sĩ ngành y, những người cùng một chí hướng xây dựng hình ảnh người thầy thuốc trẻ vừa hồng, vừa chuyên “giàu y đức, giỏi chuyên môn”. Chính vì thế, những hoạt động xung kích vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng luôn là một trong những thế mạnh của Hội. Từ khi thành lập (năm 1997) đến nay, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã tổ chức trên 100 chuyến đi về với đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn ở trong và ngoài tỉnh để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người dân và tuyên truyền cho bà con về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống và xử lý dịch bệnh. Qua mỗi chuyến đi đã góp phần giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc trẻ đối với cộng đồng, cũng như thể hiện rõ tinh thần cách mạng của đoàn viên thanh niên…
Các y bác sĩ, thành viên Hội Thầy thuốc trẻ đang khám bệnh cho người dân xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ). |
Có lẽ, với những thầy thuốc trẻ của tỉnh, mỗi chuyến đi là một bài học quý, đi để cảm nhận về cuộc sống, để được học từ chính người dân, nên dù rất bận rộn với công tác chuyên môn, nhưng những bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng trẻ luôn sẵn sàng dành ngày nghỉ hiếm hoi của mình đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Đinh Thị Tuyết, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thành viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh chia sẻ: Có về với vùng sâu, vùng xa mới thấy hết thiếu thốn của người dân và cảm nhận được những khó khăn của người bệnh. Bà con ở những nơi khó khăn ít có điều kiện đến với cơ sở y tế, nên được biết có thầy thuốc đến tận nơi để khám chữa bệnh họ rất mừng và có mặt rất sớm. Hơn thế nữa, mỗi lần về với người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, người thầy thuốc chúng tôi còn học được cách ứng xử với bệnh nhân cho đúng với y đức. Và chúng tôi cũng rất cảm ơn những người bệnh ở nơi ấy vì họ đã cho người thầy thuốc vốn sống và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn mà không sách vở nào có được… Gặp gỡ thêm những thành viên của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, điều dễ cảm nhận đó là niềm hạnh phúc của các cán bộ, y bác sĩ về những kỷ niệm bình dị mà đồng bào nơi họ đến đã để lại. Đôi khi đó chỉ là một bữa cơm đạm bạc, một câu nói rất đỗi thân quen “Cảm ơn!”… song, tất cả những kỷ niệm ấy càng mài sắc thêm tinh thần muốn cống hiến của những người thầy thuốc trẻ. Bác sĩ Võ Thị Đoan Thục, công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, thành viên Hội Thầy thuốc trẻ thổ lộ: Tôi mới ra trường và đi làm được 2 năm nên kinh nghiệm không có nhiều, nhưng từ khi tham gia vào Hội Thầy thuốc trẻ, tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích cả trong cách ứng xử đến nghiệp vụ chuyên môn. Tham gia vào các chuyến đi khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo ở vùng khó khăn của Hội, tôi thấy đồng cảm với người bệnh của mình hơn. Và chính điều đó đã thôi thúc một bác sĩ trẻ như tôi đến với phong trào tình nguyện với mong muốn được góp sức mình để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho vùng sâu vùng xa, nơi có những người chưa từng biết đến thành phố hay bệnh viện.
Quả thực, những đóng góp về vật chất của những thành viên Hội Thầy thuốc trẻ mang lại cho người dân vùng sâu vùng xa chưa hẳn đã nhiều, nhưng niềm vui tinh thần, sự động viên, khích lệ người dân nghèo vươn lên vượt khó của những thầy thuốc trẻ lại vô cùng lớn lao. Bệnh nhân Vi Văn Rang, buôn Păn 1 (xã Bình thuận, thị xã Buôn Hồ) tâm sự: Tôi vẫn biết mình có bệnh trong người, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không có điều kiện để đi khám bệnh ở bệnh viện. Ở buôn tôi cũng còn nhiều người có hoàn cảnh như tôi lắm. Hôm nay, được các bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ đến tận nơi để khám bệnh, bản thân tôi cũng như những người bệnh khác rất vui mừng. Chúng tôi không chỉ được các bác sĩ khám phát hiện bệnh mà còn được cấp thuốc miễn phí để điều trị bệnh. Còn ông Lê Ngọc Long, thôn trưởng thôn Bình Thành 3 xã Bình Thuận nhận định: Mỗi lần được đón các y bác sĩ về khám chữa bệnh, người dân địa phương chúng tôi như thấy được chia sẻ bớt những khó khăn trong cuộc sống. Sự quan tâm, tận tình của các y bác sĩ là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ để bà con vượt lên bệnh tật, bước qua khó khăn để vươn lên. Chúng tôi rất mong sẽ còn được đón các y bác sĩ về địa phương nhiều lần nữa để ngày càng có nhiều người dân nghèo được tiếp cận với dịch vụ y tế.
Đã có hàng trăm ngàn người được khám chữa bệnh miễn phí từ những chuyến đi của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh. Những lời sẻ chia, dặn dò ân cần và tỉ mỉ với người bệnh đã nói lên những ý thức được cống hiến của người thầy thuốc trẻ. Tất cả những tấm lòng nhân ái ấy đã và đang hội tụ trong ngôi nhà chung - Hội thầy thuốc trẻ tỉnh để đem lý tưởng đẹp đẽ của tuổi trẻ đến với người dân ở những vùng sâu.
Ý kiến bạn đọc