Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ở Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng

17:01, 25/11/2010

Mỗi ngày, ngoài việc gặp gỡ, tư vấn trực tiếp cho khoảng 10 trường hợp có nguy cơ lây nhiễm và nhiễm HIV trên địa bàn, đội ngũ tư vấn viên nơi đây còn tư vấn qua điện thoại cho hàng chục người khác có nhu cầu từ khắp nơi gọi đến. Chịu khó lắng nghe, ân cần chia sẻ, nhẹ nhàng cung cấp thông tin - hình ảnh về họ từ lâu đã trở nên quá đỗi thân quen trong ánh mắt của bao người…

Vốn là nơi có nhiều người ra vào, song Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng lại nằm ẩn mình bên trong khuôn viên của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và có diện tích rất đỗi khiêm nhường như bao phòng làm việc khác của đơn vị. Mới nhìn qua cứ tưởng có sự vô lý nào đó trong sắp xếp khoa phòng, nhưng khi  tìm hiểu mới thấy nó hoàn toàn hợp lý. Lý giải về sự vô lý mà hoàn toàn hợp lý ấy, chị Nguyễn Thị Bốn, tư vấn viên của Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng, người trực ca ngày hôm ấy cho biết: “Việc đặt phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng nằm bên trong khuôn viên của Trung tâm và ở ngay bên cạnh các phòng, ban khác là để người đến tư vấn xét nghiệm không phải lo lắng về những ánh mắt dò xét, kỳ thị của mọi người, như thế sẽ giúp họ cởi mở hơn khi trò chuyện, tâm sự với chúng tôi”. Có lẽ, chính sự tế nhị đầy bình đẳng ấy là một minh chứng rõ nét nhất cho phong cách làm việc của các tư vấn viên. Nhắc đến tư vấn viên sức khỏe cộng đồng hẳn ai cũng nghĩ ngay đến slogan quen thuộc “Khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện chúng tôi là tri kỷ”, song để vừa làm chuyên gia, vừa là người bạn tri kỷ đòi hỏi nhân viên tư vấn HIV/AIDS không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, nhanh nhạy trong mọi tình huống mà còn phải luôn nghĩ cho khách hàng, thấu hiểu và sẻ chia cùng khách hàng.

Sau 4 năm kể từ ngày thành lập, có bao nhiêu khách hàng đến và đi, các tư vấn viên Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng đều nhớ rất rõ, nhưng khi kể chuyện họ chỉ kể trường hợp mà không nói tên khách hàng, hoặc có nói chỉ là những tên viết tắt, bởi theo chị Bốn giải thích: “Phải tuyệt đối bí mật để giữ uy tín với khách hàng”. Những khách hàng tìm đến Phòng Tư vấn mỗi người một hoàn cảnh và thường không ai bắt đầu câu chuyện thật của mình với các tư vấn viên khi trò chuyện, hỏi han. Thế nhưng, bằng những cử chỉ ân cần như những người thân, sự quan tâm sâu sắc cộng với lòng nhiệt tình từ các tư vấn viên, những câu chuyện, những hoàn cảnh thật của khách hàng dần dần được hé lộ. chị Bốn chia sẻ: “Những người tìm đến đây hầu hết là những người có nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm HIV. Chính vì thế, khi họ tìm đến để tư vấn, xét nghiệm thường mang mặc cảm nặng nề và tâm trạng rối bời, căng thẳng nên rất cần sự khéo léo, đồng cảm của mỗi tư vấn viên. Do đó, trong bất cứ tình huống nào, dù khách hàng có hợp tác hay không, nói thật hay nói dối thì chúng tôi cũng không bao giờ được phép nổi cáu. Ngược lại, lúc nào cũng phải kiên trì, nhẹ nhàng để khách hàng chia sẻ cảm xúc và thổ lộ hoàn cảnh của mình…”. Rồi như để minh chứng cho lời nói ấy chị chậm rãi kể về những khách hàng khó quên của mình. Trường hợp thứ nhất là một khách hàng nữ ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), tìm đến Phòng Tư vấn để nhờ làm xét nghiệm khi đang mang thai tháng thứ ba. Những buổi đầu, người phụ nữ ấy không hề để lộ thông tin nguồn lây nhiễm bệnh mà chỉ nói dối quanh co. Sau đó, mỗi lần đến lấy thuốc, chị đều được các tư vấn viên hỏi han ân cần và chỉ dẫn cách thức điều trị, thậm chí còn xin cả số điện thoại để gọi điện chia sẻ, động viên. Đến lần lấy thuốc kế tiếp, khi xuất hiện ở Phòng Tư vấn, người phụ nữ ấy không còn giữ được thái độ lạnh lùng, bất hợp tác như những lần trước mà chủ động tìm đến tư vấn viên để kể về hoàn cảnh éo le của mình. Và chị xuất hiện ở Phòng Tư vấn nhiều hơn, chị đến không chỉ lấy thuốc mà còn gặp những người “tri kỷ” và san sẻ những ưu tư chất chứa trong lòng cùng những lời tư vấn để duy trì sức khỏe mẹ con chị tốt hơn. Trường hợp thứ 2, cũng là một người phụ nữ còn rất trẻ tên Đ ở TP. Buôn Ma Thuột. Đến bây giờ chị Bốn vẫn còn nhớ như in khuôn mặt tái xanh vì lo sợ của Đ. khi cô vô tình đọc được tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm HIV dương tính của chồng để quên trong túi quần. Đ. tìm đến Phòng Tư vấn trong tâm trạng bấn loạn, bần thần sau chuỗi ngày mất ăn mất ngủ. Trước mặt tư vấn viên, Đ. khóc như một đứa trẻ chẳng một chút ngại ngần rồi xin được xét nghiệm. Trong lúc chờ đợi kết quả, chị Bốn đã trấn an tinh thần cho Đ. bằng chính sự sẻ chia của một người chị, một người bạn. Ở góc độ của một chuyên gia, chị đã vạch ra cả 2 hướng kết quả tốt và xấu để Đ. đón nhận từ từ, tránh cú sốc đột ngột. Và điều kém may mắn xảy ra, Đ. nhận kết quả dương tính. Nhưng thời gian sau đó, nhờ lui tới Phòng Tư vấn thường xuyên, được các tư vấn viên gần gũi, sẻ chia kịp thời, Đ. đã lấy lại thăng bằng, tha thứ cho lỗi lầm của chồng và trở lại với cuộc sống hạnh phúc trước đây…

Câu chuyện bị gián đoạn bởi bên ngoài Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng đang có khách hàng xin được gặp tư vấn viên. Chị Bốn đành kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng một câu nói rất đỗi khiêm nhường: “Với công việc của mình, chúng tôi không kỳ vọng mình sẽ khiến khách hàng sống vui, sống khỏe mà chỉ mong giúp họ có được cách giữ gìn sức khỏe và động viên họ thực hiện những dự định còn dang dở trước khi phát hiện bị bệnh để họ làm việc, quên đi nỗi buồn chán của bệnh tật. Hơn nữa, chúng tôi muốn cộng đồng hiểu, HIV không chỉ lây nhiễm bởi lối sống buông thả, mà nó có thể là “tai họa vô tình”, thế nên đừng kỳ thị với người có HIV”.

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc