Multimedia Đọc Báo in

Chương trình tiêm vắc-xin sởi bổ sung năm 2010 Trên 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm bổ sung

08:13, 08/12/2010

Sau 3 tháng triển khai chương trình tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trẻ (từ tháng 9 đến hết tháng 11-2010), qua 2 đợt tiêm, đến nay đã có 7  đơn vị huyện, thị xã gồm TX. Buôn Hồ, các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng, Ea Súp, Buôn Đôn và Krông Ana đã hoàn thành kế hoạch đề ra, đạt 95,6% số trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc-xin sởi. Một số huyện triển khai đợt 2 như: Krông Bông, M’Drak hiện vẫn đang tiến hành tiêm vét cho các đối tượng bị bỏ sót.

Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung năm nay được triển khai theo phương thức cuốn chiếu tại 720 điểm của 185 xã, phường trên địa bàn tỉnh, với tổng số điều tra ban đầu là 180 nghìn đối tượng từ 1 đến 5 tuổi tiêm mũi nhắc lại và gần 36 nghìn trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm văc-xin sởi mũi đầu tiên. Điều đáng ghi nhận của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung là ngay từ những ngày đầu của chiến dịch, hầu hết các bậc cha mẹ có con nhỏ tại các địa phương trong tỉnh đều có ý thức đưa con đến các điểm tiêm chủng đúng ngày, giờ quy định. Mọi người đều nhận thức được lợi ích của tiêm chủng và tầm quan trọng của nó đối với tương lai của con trẻ nên rất tích cực đưa con đi tiêm.

Cán bộ y tế đang giám sát việc tiêm vắc-xin tại xã Ea Tyh, huyện Ea Kar. (Ảnh: Nguyệt Ánh)
Cán bộ y tế đang giám sát việc tiêm vắc-xin tại xã Ea Tyh, huyện Ea Kar. (Ảnh: Nguyệt Ánh)
Các điểm tiêm chủng cũng được bố trí phù hợp theo từng nhóm đối tượng nhằm bảo đảm 95% trẻ đều được tiêm văc-xin sởi, như: các đối tượng đang đi học tiêm chủng cố định tại trường học; đối tượng không đi học được tổ chức tiêm tại Trạm Y tế và trẻ em từ 1 đến 5 tuổi ở vùng sâu, vùng xa được bố trí tiêm chủng tại các điểm di động ở các thôn buôn. Công tác giám sát trước và trong chiến dịch cũng được chú trọng, từ công tác chỉ đạo chiến dịch, kiểm tra điểm tiêm theo danh sách cơ sở đã điều tra để phát hiện đối tượng bỏ sót, bảo đảm vật tư, nguồn nhân lực, phòng chống sốc đến công tác tiếp nhận, giám sát tiến độ thực hiện, bảo quản vắc-xin sởi, hủy bơm kim tiêm, báo cáo sau khi kết thúc chiến dịch… đều được các trạm y tế nghiêm túc thực hiện. Bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ban Chỉ đạo các cấp đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng trên địa bàn, huy động các lực lượng tham gia, trong đó có cộng tác viên y tế và cả lực lượng ngoài ngành y tế; đầu tư công tác tuyên truyền, tư vấn và chuẩn bị các phương tiện tiêm chủng, cấp cứu, xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau khi tiêm và tỉnh cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng cho chiến dịch tiêm vắc-xin sởi này.”

Theo các bác sĩ, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ lây lan và gây dịch. Bệnh sởi có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng như: mù lòa, viêm não, viêm phổi… và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Vì vậy, tiêm vắc-xin sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em tỉnh ta bắt đầu được triển khai tại một số phường trên địa bàn Buôn Ma Thuột từ năm 1983 và chính thức tiêm chủng mở rộng trong toàn tỉnh từ năm 1985, đến nay số trẻ em mắc sởi đã giảm  99% so với thập niên 1981-1990.

 

Hương Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.