Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả của truyền thông trực tiếp trong phòng, chống lao

10:05, 13/06/2011

Đến tận nơi, gặp từng người để tuyên truyền và giải thích cặn kẽ những điều người dân chưa hiểu về bệnh lao -  đó là phương pháp truyền thông trực tiếp đã và đang được thực hiện trong suốt 10 năm qua ở tỉnh ta. Cách làm này đã giúp cho nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa có nhận thức đúng và biết cách phòng tránh chứng bệnh dai dẳng này…

Năm 2001, dưới sự hỗ trợ của Dự án phòng chống lao Quốc gia, hoạt động truyền thông trực tiếp trong phòng chống lao trên địa bàn tỉnh bắt đầu được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống bệnh lao. Hoạt động này được triển khai rộng rãi tại 12 huyện trong tỉnh là Krông Pak, Ea Kar, M’Drak, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông, Lak, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar và Krông Ana. Khác với các mô hình truyền thông khác, hoạt động truyền thông trực tiếp do chính cán bộ y tế của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh và các trung tâm y tế huyện thực hiện. Ngay từ những buổi truyền thông đầu tiên, việc đến tận địa bàn, gặp trực tiếp người dân để cung cấp các thông tin về bệnh lao, biểu hiện của bệnh cũng như hướng dẫn cách phòng, chống bệnh lao đã thể hiện rõ tính ưu việt của truyền thông trực tiếp. Bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: “So với các phương thức truyền thông khác như phát thanh-truyền hình, phát tờ rơi… thì truyền thông trực tiếp là phương thức thiết thực và mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi, với các hình thức truyền thông nói trên, người dân có thể nghe, có thể nhìn nhưng đôi khi không hiểu và không có người giải đáp thông tin. Hơn nữa, ở nhiều nơi, nhất là người dân vùng sâu vùng xa không phải gia đình nào cũng có phương tiện nghe nhìn nên khó tiếp cận thông tin. Còn với truyền thông trực tiếp, người dân có thể đối thoại với cán bộ y tế, được nghe và được hỏi lại những gì mình chưa hiểu, chưa rõ, từ đó cập nhật thông tin một cách chính xác và đầy đủ nhất”.

Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh  đang tuyên truyền về phòng chống bệnh lao cho người dân vùng sâu, vùng xa của huyện M’Drak.
Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh đang tuyên truyền về phòng chống bệnh lao cho người dân vùng sâu, vùng xa của huyện M’Drak.
Gần 10 năm trôi qua, hàng trăm đợt truyền thông trực tiếp đã được triển khai với hàng nghìn người thụ hưởng và tiếp nhận thông tin về bệnh lao một cách đầy đủ nhất. Chỉ tính riêng Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, đến thời điểm này, các cán bộ, y bác sĩ nơi đây đã tổ chức được 32 đợt truyền thông tại 32 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của 12 huyện trong vùng Dự án. Theo bác sĩ Trần Vinh, để tạo hiệu quả cho mỗi chuyến đi, trước ngày diễn ra buổi truyền thông trực tiếp, Bệnh viện đều có thông báo cụ thể cho địa phương để thông tin cho người dân biết và sắp xếp thời gian tham gia. Nhờ vậy, mỗi buổi truyền thông đều thu hút từ 100-150 người. Tại mỗi buổi truyền thông, ngoài công việc chính là cung cấp và giải thích các thông tin về bệnh lao, cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện còn lồng ghép thêm hoạt động khám chữa bệnh giúp người dân vùng sâu, vùng xa - những người ít có điều kiện đến cơ sở y tế được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là phát hiện và dự phòng bệnh lao. Không những thế, để khuyến khích bà con tham gia đông đủ, Bệnh viện còn chi trả cho mỗi người dân tham gia vào buổi truyền thông trực tiếp 20.000 đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng đó là món quà nhằm động viên tinh thần khi bà con phải nghỉ việc nương rẫy để tham gia buổi truyền thông.

Quả thực, cách làm mới trong truyền thông về phòng, chống lao đã thực sự phát huy được hiệu quả đối với người dân vùng sâu, vùng xa. Sau khi tham dự buổi truyền thông trực tiếp, nhiều người dân xã Cư M’tar (huyện M’Drak) tỏ ra phấn khởi bởi từ nay họ đã có được những kiến thức cơ bản về bệnh lao cũng như biết cách phòng, chống căn bệnh này cho bản thân, gia đình và xã hội. Thậm chí, có người còn cho rằng, lâu nay bà con trong vùng vẫn còn e ngại với những người mắc bệnh lao, coi bệnh lao là căn bệnh “đã mắc phải thì chỉ có chết”, nhưng qua buổi truyền thông trực tiếp này đã giúp họ hiểu đúng hơn về bệnh lao và người mắc bệnh lao. Còn với không ít người dân ở xã Ea Trang (huyện M’Drak) thì, lâu nay cứ nghe nói đến bệnh lao nhưng bệnh ấy có biểu hiện như thế nào, nguy hiểm ra sao thì chẳng phải ai cũng biết và chẳng biết hỏi ai. Thế nhưng, qua truyền thông trực tiếp, được các bác sĩ tuyên truyền, tư vấn, trả lời các thông tin, mọi người đều vỡ lẽ rằng, bệnh lao cũng như những căn bệnh thông thường khác, khi mắc phải không nên quá lo sợ, xấu hổ với mọi người xung quanh rồi giấu bệnh mà cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời… Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bê (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh), người thường xuyên tham gia các buổi truyền thông trực tiếp, hiệu quả đầu tiên mà truyền thông trực tiếp mang lại đó chính là giải tỏa được những bức xúc, nghi ngờ của người dân về những lời đồn thổi, truyền miệng về bệnh lao. Tiếp đó là tạo điều kiện cho cán bộ y tế và người dân được đối thoại trực tiếp, giúp bà con được trang bị những kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bệnh tật nói chung cũng như bệnh lao nói riêng…

Trong thời gian tới, hoạt động này sẽ được Dự án phòng chống lao Quốc gia hỗ trợ mở rộng ra địa bàn toàn tỉnh để tất cả mọi người dân vùng sâu, vùng xa đều được thụ hưởng. Chắc chắn với những con người đầy tâm huyết và bằng cách làm nói trên, công tác phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng ở Dak Lak sẽ ngày càng được củng cố và đạt hiệu quả cao.

 

Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.