Lạm dụng kháng sinh cho trẻ: Lợi bất cập hại
Sau vụ thuốc kháng sinh Augmentin (loại hàm lượng 457mg/5ml và 156mg/5ml) bị cơ quan y tế Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) buộc thu hồi và dừng sử dụng do nhiễm chất làm dẻo, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng vì hiện nay nhiều loại kháng sinh tương tự, thậm chí liều cao vẫn được dùng cho trẻ em. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong khám và điều trị đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động. Chuyên khoa được đánh giá sử dụng thuốc kháng sinh nhiều nhất là hô hấp, căn bệnh rất dễ mắc phải ở Việt Nam.
Hiện nay, kháng sinh vẫn là loại thuốc “đầu tay” của nhiều bác sĩ khi lựa chọn điều trị các bệnh hô hấp, tiêu chảy và các viêm nhiễm ở trẻ. Thế nhưng, không ít trường hợp đã lạm dụng kháng sinh quá mức. Theo điều tra trong 18 bệnh viện huyện về mức độ sử dụng kháng sinh, thì 100% trẻ bị ho, sốt được điều trị bằng kháng sinh, trong khi chỉ 1/3 trong số đó là thực sự cần thiết. Như vậy mức lạm dụng kháng sinh là 2/3.
Thói quen mua thuốc không cần theo đơn của nhiều bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa: K.O |
Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng kháng sinh rất bừa bãi. Có thể vì muốn trẻ nhanh hết bệnh nên dùng kháng sinh nhưng không phải bệnh nào cũng cần dùng kháng sinh. Có những bệnh hắt hơi sổ mũi chỉ cần uống sirô vài ngày là khỏi hoặc tự khỏi và trong trường hợp này việc cho trẻ uống kháng sinh là không nên. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít phòng mạch tư vì muốn lấy uy tín nên hễ cứ có bệnh nhi là cho dùng kháng sinh ngay để nhanh khỏi bệnh. Nhiều bác sĩ chẳng cần hỏi trẻ có tiền sử bệnh gì, đã sử dụng thuốc gì, cứ thế kê đơn. Sau ít ngày không đỡ lại thêm kháng sinh mới hoặc đổi thuốc mạnh hơn. Ngoài ra, thói quen mua thuốc không cần theo đơn của nhiều bậc phụ huynh cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh. Mặc dù kháng sinh nằm trong nhóm thuốc bán theo đơn, tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều nhà thuốc vẫn mặc nhiên bán thuốc kháng sinh cho người dân để điều trị những bệnh thực tế không cần đến loại thuốc ấy, trong khi đó không ít bậc phụ huynh vì thiếu hiểu biết nên vẫn "vô tư" cho trẻ uống hết loại kháng sinh này đến kháng sinh khác.
Theo các chuyên gia y tế, hơn 70% bệnh nhân dị ứng do dùng kháng sinh, trong đó có không ít trẻ em. Sốc phản vệ do dùng kháng sinh là tai biến nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong. Nhiều trường hợp dị ứng thuốc gây giảm hồng cầu, bạch cầu, thiếu máu huyết tán, xuất huyết giảm tiểu cầu, tổn thương tế bào gan...; hoặc trẻ dùng kháng sinh nhiều lần, mỗi lần tăng độ mạnh hơn gây nên tình trạng lờn thuốc. Lúc đó, thuốc chẳng những không trị được bệnh mà còn góp phần tăng sức công phá của vi khuẩn, gây các bệnh khác. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, một chuyên gia nghiên cứu về thuốc kháng sinh cho biết, việc bệnh nhân và bác sĩ quá tin tưởng vào kháng sinh mà không tính việc lạm dụng thuốc sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc. Mối nguy hiểm là ở chỗ, các vi khuẩn kháng thuốc này không chỉ kháng một loại thuốc, mà có thể kháng chéo, kể cả thuốc kháng sinh vừa mới lưu hành trên thị trường. Khi đã kháng chéo thì bệnh nhân có thể bị tử vong vì không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi. Không những thế, vi khuẩn kháng thuốc có thể lây từ người này sang người khác và sau đó lan rộng ra cộng đồng. Đây chính là mối lo ngại của ngành y tế, bởi hiện nay đã có những con vi khuẩn kháng lại 50% nhóm kháng sinh đang được sử dụng nhiều nhất. Các công ty dược trên thế giới đã không kịp nghiên cứu ra các loại kháng sinh chống lại các vi khuẩn này, điều mà ở thế kỷ 20 hoàn toàn là vấn đề đơn giản.
Trẻ bị các bệnh đường hô hấp trong trường hợp bội nhiễm vi trùng mới cần dùng đến kháng sinh. Ảnh minh họa: K.O |
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thì, kể từ khi phát hiện kháng sinh Peniciline (năm 1928) đến nay, hàng trăm loại kháng sinh đã được phát triển và đưa vào sử dụng, giúp cứu chữa hàng tỉ người mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc. Các thống kê cho thấy chỉ có 50% số người mắc sốt rét được dùng đúng thuốc theo khuyến cáo, có tới 60% số người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dùng thuốc kháng sinh không phù hợp.
Có thể thấy, việc lạm dụng kháng sinh gây nên những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo viêm hô hấp trên là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân thường do siêu vi gây nên. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, ho, sổ mũi, khàn tiếng… Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ khỏi bệnh sau khoảng 5-7 ngày, cho dù có dùng kháng sinh hay không. Tuy nhiên, khi bị nhiễm siêu vi, sức đề kháng tại chỗ vùng tai mũi họng thường giảm nên có thể bị bội nhiễm vi trùng. Trong trường hợp này, điều trị kháng sinh sẽ đem lại hiệu quả tốt, song kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ ngày, nếu không sẽ dễ gây lờn thuốc về sau.
D.K (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc