Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh tay- chân- miệng tiếp tục tăng mạnh

16:51, 29/07/2011

Theo nhận định của TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số người mắc dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) ở nước ta từ đầu năm tới nay tăng đột biến, cho dù các loại vi rút gây bệnh dịch nguy hiểm này chưa có biến chủng. Việc phòng chống dịch bệnh TCM ở cả trẻ em và người lớn đều phải thực hiện nghiêm vì dịch bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi.

TS Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2011, dịch bệnh TCM ở nước ta đang có những diễn biến phức tạp, với số người mắc và tử vong tăng rất cao. Đến nay, số người mắc TCM xấp xỉ 2 vạn trường hợp và đã có 58 ca tử vong tại nhiều tỉnh thành, tăng gần gấp đôi so với cả năm 2010. Qua phân tích tình hình, cũng như quy luật diễn biến của dịch bệnh này, trong những tháng tới đây, nhất là từ tháng 9 đến tháng 11, số ca mắc TCM sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn và dịch sẽ lây lan rộng hơn. Bởi lẽ, trong thời gian tới là thời điểm bắt đầu năm học mới, trong khi đó dịch bệnh này lại chủ yếu mắc và lây lan ở trẻ em nếu việc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các trường học không được quan tâm và thực hiện triệt để.

Phun Cloramin B khử trùng phòng bệnh TCM tại các trường mầm non. Ảnh: TL 

Theo giám sát dịch bệnh, tỷ lệ mắc bệnh TCM ở người lớn chiếm khoảng 1% trong tổng số các trường hợp mắc. Do đó, với tình hình bệnh TCM năm nay diễn biến phức tạp thì việc có nhiều người lớn mắc dịch bệnh này không phải là điều bất thường. Hơn nữa, hiện nay chưa có vắc xin để phòng chống bệnh TCM và cũng chưa có thuốc đặc trị, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu đối với dịch bệnh này ở cả trẻ em và người lớn đều phải thực hiện nghiêm túc như nhau. Trong đó phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hàng ngày. Vệ sinh môi trường, làm sạch các bề mặt và khử trùng đồ chơi của trẻ em, dụng cụ sinh hoạt, không ăn chung thìa, bát hoặc tiếp xúc với người bị bệnh.

Qua giám sát và nhiều nghiên cứu của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cho thấy, hiện nay chúng ta vẫn chưa phát hiện có sự biến đổi nào về virus gây bệnh tay - chân - miệng. Tại khu vực phía Nam, nơi tập trung phần lớn số ca mắc và tử vong do TCM thì kết quả giám sát xét nghiệm của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ghi nhận, tỷ lệ mắc dịch bệnh này do Enterovirus 71 (EV 71) gây ra chiếm khoảng 20% trong tổng số ca mắc, với phân tuýp chủ yếu là C4, C5. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận một số loại vi rút khác gây bệnh như Coxsackievirus. Tuy nhiên, trong số các vi rút gây bệnh thì EV 71 là loại vi rút nguy hiểm nhất, thường là nguyên nhân gây tử vong ở các bệnh nhân TCM ở nước ta từ trước đến nay. Hiện Bộ Y tế và nhiều chuyên gia dịch tễ đang tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ đối với vi rút EV71. Bên cạnh đó, do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này nên Bộ Y tế đã đưa bệnh tay chân miệng vào hệ thống báo cáo thường xuyên trong nhóm các bệnh truyền nhiễm.

K.O (nguồn SGGP


Ý kiến bạn đọc