Tìm hiểu về DEHP
Do hiện nay trên thị trường thực phẩm xuất hiện nhiều loại thực phẩm được nhập từ một số nước lân cận như Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc có chứa chất DEHP có hại cho sức khỏe con người, nhất với trẻ em, Cục VSATTP đang chỉ đạo thu hồi các loại thực phẩm này. Để giúp người tiêu dùng cảnh giác, loại bỏ, từ chối sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất độc hại này, xin trao đổi một số thông tin về chất DEHP.
DEHP là một hóa chất hữu cơ và là chữ viết tắt của diethylhexyl phtalat. DEHP không tan trong nước, chỉ tan trong dầu nên tạo đục trong sản phẩm chứa nước và được dùng trong thực phẩm thay thế dầu cọ vì là hóa chất công nghiệp rẻ tiền hơn. Ngoài DEHP, nhiều hóa chất khác có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các “dẫn chất phtalat” như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), monomethyl phtalat (MMP)… Trong ngành dược, một dẫn chất phtalat là diethyl phtalat (DEP) có dùng làm thuốc nhưng chỉ dùng ngoài da trị bệnh ghẻ ngứa (trước đây nước ta dùng rất phổ biến DEP nhưng nay không dùng nữa). Đặc biệt, DEP được dùng làm chất hóa dẻo (plasticizer) trong bao phim bao viên thuốc. Rất may, lượng dùng DEP trong bào chế bao phim có rất ít trong lớp phim bao (lớp phim này thông thường cũng được bao rất mỏng) và mỗi lần ta chỉ uống một vài viên thuốc nên tác hại của DEP nếu có xem như không đáng kể. Các dẫn chất phtalat khác thường được dùng làm chất hóa dẻo cho các bao bì nhựa như chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, trong đồ chơi trẻ con bằng chất dẻo, nhựa…
Trong quá trình sử dụng các sản phẩm vừa kể, các dẫn chất phtalat bị tách ra và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể con người. Trẻ con dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa có chứa hàm lượng cao các phtalat sẽ có nguy cơ bị nhiễm chất này. Tác hại của các dẫn chất phtalat là làm xáo trộn nội tiết và bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và một số nghiên cứu lại được tiến hành tại chính Đài Loan.
Gần đây nhất là công trình nghiên cứu của Chou YY và cộng sự thực hiện tại Khoa Y, Đại học Chen Kung (Đài Loan), vào năm 2009. Nghiên cứu trên 30 bé gái dậy thì sớm so với 33 bé gái bình thường cho thấy, trong nước tiểu bé gái dậy thì sớm chứa lượng monomethyl phtalat (MMP) cao hơn nhiều so với bé gái bình thường, và kết luận MMP có thể là một nguyên nhân môi trường gây dậy thì sớm ở bé gái Đài Loan. Vì vậy, Đài Loan rất mạnh tay trong việc thu hồi các sản phẩm chứa dẫn chất phtalat là DEHP phát hiện trong sản phẩm ở thị trường nội địa của họ và hoạt động rất tích cực trong mạng lưới cảnh báo vệ sinh thực phẩm toàn cầu.
Ở châu Âu và Mỹ, người ta nhận thấy trong vòng 180 năm qua, tuổi dậy thì đang giảm đi với tốc độ 1-3 tháng trong mỗi 10 năm. Những năm gần đây, tại Mỹ tuổi dậy thì của phái nữ là 8 – 13 tuổi còn phái nam là 9 - 14 tuổi. Ở ta chưa có thống kê về tuổi dậy thì và nhiều người thường căn cứ vào câu nói của ông bà xưa để lại: “Nữ thập tam, nam thập lục” và cho rằng tuổi dậy thì của bé gái là 13 còn của bé trai là 16. Nếu cho rằng ông bà ta ngày xưa ghi nhận tuổi dậy thì hơi trễ do quan sát những biểu hiện đã thật rõ nét của lứa tuổi này, cộng với tuổi dậy thì trải qua thời gian dài đã có giảm, tuổi dậy thì của bé gái ở nước ta phải từ 8 tuổi trở lên. Như vậy, dậy thì được cho là sớm khi bé gái “trổ mã” ở tuổi là 8 hoặc nhỏ hơn 8. Hiện nay ở nước ta, giống như nhiều nước trên thế giới, có hiện tượng bé gái dậy thì sớm (thậm chí rất sớm 2 – 3 tuổi) đã xảy ra.
Cần cảnh giác, không sử dụng các loại thực phẩm chứa DEHP. |
Hiện nay, người ta không chỉ cảnh giác với các dẫn chất phtalat bị nhiễm trong thực phẩm mà còn lo ngại về các vật dụng sinh hoạt hằng ngày có chứa các chất gây nguy hại này. Cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nay nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP và DEHP có trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm.
Đối với chúng ta, việc cảnh giác, phát hiện và không sử dụng các loại thực phẩm chứa DEHP là rất cần thiết. Đồng thời, cũng nên dùng cẩn thận các sản phẩm nhựa dẻo như PVC vì có thể chứa các dẫn chất phtalat. Không nên chế biến thức ăn quá nóng trong các tô chén, bao bì bằng nhựa mà nên thay vật đựng bằng sứ (nhiệt độ quá nóng các phtalat dễ tách ra), dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì bằng nhựa, plastic…
Ý kiến bạn đọc