Multimedia Đọc Báo in

Biến chủng vi rút cúm: Không thể coi thường

08:53, 15/12/2011

Thời tiết giá lạnh đang là môi trường thuận lợi để bệnh cúm phát triển, nhất là trong điều kiện nhiều vi rút cúm đang lưu hành ở nước ta. Đáng lo ngại hơn, mới đây, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) thông báo phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm chủng vi rút cúm mới nguy hiểm hơn được kết hợp giữa cúm A/H1N1 và H3N2. Điều này cảnh báo nguy cơ một dịch cúm mới bùng phát mà không loại trừ quốc gia nào.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình, cho biết, thông báo của CDC cho thấy, chủng vi rút cúm mới có tên S-OtrH3N2 là chủng vi rút nguy hiểm hơn do biến chủng tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo. Hiện nay, ở Mỹ đã có 10 người nhiễm chủng vi rút cúm mới này. Tại Việt Nam, cho tới thời điểm này, mặc dù số người bị mắc cúm mùa đang có chiều hướng gia tăng nhưng qua giám sát cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào mắc chủng vi rút cúm mới S-OtrH3N2. Tuy nhiên, ông Bình lo ngại cho rằng, với nhiều loại vi rút cúm mùa thông thường như cúm B, cúm A/H1N1, H3N1, H5N1… có mặt ở nước ta thì việc các chủng vi rút cúm này kết hợp với nhau hoặc biến chủng tạo nên vi rút cúm mới có độc lực cao và nguy hiểm hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù cúm A/H1N1 và H3N2 đã tái tổ hợp với nhau tạo chủng vi rút cúm mới nhưng đáng sợ nhất vẫn là sự tái tổ hợp giữa cúm A/H5N1 kết hợp với chủng cúm A/H1N1. Bởi lẽ, chủng H1N1 có khả năng lây lan rất nhanh, còn chủng H5N1 mang độc lực mạnh nên nguy cơ xảy ra dịch cúm độc mạnh, lây lan nhanh trên diện rộng là rất cao. Hơn nữa, vi rút cúm A thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên để thích nghi với môi trường nên dễ gây dịch nguy hiểm. Chỉ một thay đổi nhỏ về kháng nguyên cũng sẽ gây dịch nên đây là một trong những vi rút khó đối phó nhất.

Một bệnh nhân nhiễm cúm A được điều trị tại cơ sở y tế
Một bệnh nhân nhiễm cúm A được điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: TL

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia điều trị bệnh cúm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Hồng Hà nhận định, với khí hậu nước ta, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh và ẩm ướt sẽ khiến số người mắc bệnh cúm tăng cao do vi rút cúm phát triển. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có bệnh nhân nào mắc chủng vi rút cúm mới S-OtrH3N2 nên chưa thể đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của vi rút mới này. Tuy nhiên cần phải đặc biệt lưu ý những người đã từng mắc chủng cúm thông thường vẫn có thể mắc chủng cúm mới khác nếu chúng tái tổ hợp thành và khi đó rất dễ gây dịch vì sẽ khiến người mắc mất khả năng miễn dịch. Trước nguy cơ này, bà Hà cho rằng, nếu trong cùng thời điểm mà nhiều bệnh nhân có hội chứng cúm, thậm chí có người tử vong nên cần tập trung xét nghiệm và tìm nguyên nhân để có biện pháp đối phó. Cùng với đó, người dân nên đi tiêm ngừa những vắc xin cúm đang được lưu hành ở nước ta. Đối với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng có nguy cơ cao cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời khi xuất hiện các biểu hiện cúm.

Để chủ động phòng chống vi rút cúm mới xâm nhập và lây lan tại nước ta, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trong cả nước tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, theo dõi chặt chẽ những người bị sốt, hội chứng cúm đến từ khu vực có dịch. Đồng thời, tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại cộng đồng, đặc biệt các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia tập trung phát hiện sớm các thay đổi và sự lưu hành của vi rút cúm. Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và CDC để hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phát hiện chủng vi rút cúm nói trên.

Từ đầu năm tới nay, nước ta đã có 759 người mắc cúm A/H1N1, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Đáng ngại hơn, trong vòng một tháng qua số người mắc và tử vong do cúm A/H1N1 có chiều hướng tăng với 25 trường hợp mắc và 3 ca tử vong.

K.O (nguồn SGGP)
 


Ý kiến bạn đọc