Multimedia Đọc Báo in

Công tác phòng, chống sốt rét tại huyện Ea Súp: Còn nhiều khó khăn

10:01, 13/12/2011

Huyện Ea Súp hiện có hơn 60.000 dân, trong đó có hơn 37 % là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Nùng, Thái, Tày, J’rai, Ba Na, Mông… Trình độ dân trí thấp, biến động dân cư cao, đặc biệt là dân di cư tự do, dân kinh tế mới cùng với tập quán làm nghề rừng, ngủ rẫy của người dân đã dẫn đến tỷ lệ sốt rét ở Ea Súp gia tăng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, tính đến hết tháng 11-2011,  toàn huyện đã ghi nhận 188 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân sốt rét tập trung chủ yếu ở các xã Cư Kbang với 45 bệnh nhân, thị trấn Ea Súp 28 trường hợp, xã Ea Rốc 25 trường hợp và Ia Tmốt 24 trường hợp….; trong đó, chiếm tới 70,2% là người dân tộc thiểu số đi rừng hoặc đi làm ở địa phương khác về. Tổng số bệnh nhân sốt rét trong 11 tháng qua trên địa bàn huyện tương đương so với cùng kỳ năm 2010 song lại xuất hiện trường hợp tử vong do sốt rét, sốt rét ác tính cũng tăng 2 trường hợp, sốt rét ở trẻ em tăng 14 trường hợp và phụ nữ có thai bị sốt rét là 2 trường hợp. Bác sĩ Lê Thị Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết: “Bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu tập trung ở các đối tượng là người dân tộc thiểu số thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, sống xa cơ sở y tế. Trong 45 bệnh nhân sốt rét ở xã Cư Kbang thì có tới 90% bệnh nhân là người dân tộc Mông sống ở các thôn 13, 14, 15 và 16”.  

Tư vấn phòng, chống sốt rét cho phụ nữ mang thai tại Trạm Y tế thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp.
Tư vấn phòng, chống sốt rét cho phụ nữ mang thai tại Trạm Y tế thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp.

Trong những năm qua, mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. được đầu tư, hỗ trợ về trang thiết bị, kinh phí, vật tư, hóa chất, màn chống muỗi của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống sốt rét trong công tác triển khai các hoạt động phòng bệnh sốt rét cho nhân dân nhưng huyện Ea Súp vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý giám sát dịch tễ do địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, người dân thường di cư đi rẫy sinh sống theo mùa vụ hoặc di chuyển từ các địa phương khác mang theo mầm bệnh về.  Bên cạnh đó, tình trạng dân di cư tự do gia tăng và không ổn định tại các thôn 13, 14, 15, 16 ở xã Cư Kbang, người dân canh tác theo mùa vụ tại các điểm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc Dao tại tiểu khu 265, 271 xã Cư M’lan, tiểu khu 249 tại xã Ea Lê… khiến công tác phun, tẩm hóa chất và điều trị bệnh nhân sốt rét càng khó khăn hơn. Việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt rét đến với người dân còn hạn chế, công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả, nhất là truyền thông cho các đối tượng dân di cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sống thường xuyên đi rừng, đi rẫy. Anh Vũ Đức Năm, cán bộ phụ trách Chương trình phòng chống sốt rét (Trung tâm Y tế huyện Ea Súp) phản ánh: “Mặc dù công tác phun hóa chất, tẩm màn phòng bệnh sốt rét cho người dân trên địa bàn huyện hằng năm luôn đạt trên 85% nhưng nhận thức đối với công tác phòng, chống sốt rét của một số người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nơi đây còn rất hạn chế”. Từ đầu năm đến nay, nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng và tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sốt rét cho người dân, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp phối hợp với Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng tỉnh đã tổ chức được 7 lớp tập huấn về phòng chống sốt rét cho gần 200 người gồm cán bộ y tế huyện, xã, cộng tác viên y tế và cô đỡ thôn, buôn.

Để công tác phòng chống sốt rét tại Ea Súp đạt hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ,  không chỉ ngành y tế mà các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện cũng cần tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt rét đến người dân, thường xuyên chú trọng cấp màn cho hộ nghèo, hộ dân kinh tế mới; đẩy mạnh công tác điều tra dịch tễ, phát hiện sớm bệnh nhân sốt rét tại cộng đồng và phòng chống sốt rét cho các điểm nhà rẫy. Bên cạnh đó, huyện cũng cần quy hoạch ổn định dân di cư tự do tại các tiểu khu 249 xã Ea Lê, tiểu khu 265, 271 xã Cư M’lan, các điểm rẫy Ea Pốp, suối đá, suối cát và 4 thôn người Mông (thôn 13,14,15,16) tại xã Cư Kbang…

Xuân -  Ánh


Ý kiến bạn đọc