Multimedia Đọc Báo in

Mô hình cô đỡ thôn, buôn: Bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực

09:14, 12/12/2011

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh ta đã đào tạo được 118 cô đỡ thôn, buôn, chủ yếu tại các xã khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Việc đào tạo và triển khai hoạt động đội ngũ cô đỡ thôn, buôn đã bước đầu đã mang lại hiệu quả bởi người làm công việc cô đỡ là người sinh sống ngay tại thôn, buôn và dễ dàng tiếp cận với bà mẹ mang thai; các cô đỡ sau khi được đào tạo đã tham gia vào công tác quản lý thai sản tại cộng đồng như: tư vấn, hướng dẫn bà mẹ đi khám thai và quản lý thai sản, phát hiện sớm các trường hợp thai bất thường và kịp thời hỗ trợ chuyển tuyến trên, xử trí một số trường hợp chuyển dạ không kịp đến cơ sở y tế, hỗ trợ chăm sóc bà mẹ sau sinh tại hộ gia đình và tư vấn kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, đội ngũ cô đỡ thôn, buôn còn tham gia với cộng tác viên y tế thôn buôn, các trạm y tế xã triển khai các chương trình như: phòng chống sốt rét cho bà mẹ mang thai, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm và thăm khám phụ nữ có thai… Dự kiến từ nay đến năm 2012, Chương trình “Giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh” tiếp tục đào tạo khoảng 20 cô đỡ thôn, buôn tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có tỷ lệ đẻ tại nhà còn khá cao như huyện Ea Súp, Lak, Krông Bông…

Một buổi phổ biến kiến thức về “làm mẹ an toàn” cho phụ nữ có thai và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ dưới 5 tuổi tại Trạm Y tế xã Ea Hiu, huyện Krông Pak.
Một buổi phổ biến kiến thức về “làm mẹ an toàn” cho phụ nữ có thai và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ dưới 5 tuổi tại Trạm Y tế xã Ea Hiu, huyện Krông Pak.

Tuy nhiên, hoạt động cô đỡ thôn buôn hiện vẫn mang tính tự nguyện, người làm công việc cô đỡ thường tự sắp xếp công việc cá nhân, gia đình để tham gia công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương (kể cả giờ nghỉ hoặc đêm khuya) song mỗi cô đỡ thôn, buôn chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng/tháng, chưa được trang bị các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác chuyên môn, nhiều người phải tự mua sắm bông băng, cồn, gạc… để phục vụ cho công việc. Vì vậy, cần thiết phải trang bị các vật dụng cần thiết phục vụ cho công việc của cô đỡ thôn, buôn; đưa hoạt động cô đỡ thôn, buôn vào hệ thống y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cơ sở, trong đó quy định chức năng nhiệm vụ và hỗ trợ về trang thiết bị đỡ đẻ hay túi thuốc sơ cứu ban đầu; có chế độ phụ cấp hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cô đỡ thôn, buôn gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại cộng đồng.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc