Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020: Nhiều thuận lợi, không ít thách thức

09:27, 15/02/2012
Chương trình xây dựng xã, phường chuẩn quốc gia về y tế (CQGVYT) giai đoạn 2003-2010 trên địa bàn tỉnh đã khép lại với những kết quả đáng tự hào. Và gia đoạn mới (2011-2020) cũng đã được khởi động cùng bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã mới với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Bác sỹ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ với Báo Dak Lak một vài vấn đề xung quanh nội dung này.
 
* Chương trình xây dựng xã, phường đạt CQGVYT giai đoạn 2003-2010 đã khép lại với những thành công nhất định. Từ đó có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì, thưa bác sĩ?
 
Thực hiện CQGVYT xã tại Dak Lak là một trong những hoạt động nổi bật của ngành y tế trong 10 năm qua. Sở Y tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các nghị quyết, chỉ thị để đặt ra tiến độ thực hiện kế hoạch CQGVYTX. Cụ thể, hàng năm phải đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm xây dựng được 20% số xã đạt CQGVYT. Do đó, kết quả trong 10 năm qua rất khả quan với 97% xã, phường đạt CQGVYT, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (85%) và vượt cao so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (hiện tỷ lệ xã, phường đạt CQGVYT bình quân của cả nước khoảng 60-70%). Có thể nói, thành công trong việc thực hiện CQGVYT ở các xã, phường, thị trấn là nhờ sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, UBND các cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã đưa chỉ tiêu xây dựng CQGVYT xã vào Nghị quyết tỉnh Đảng bộ và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, ngành y tế thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát công tác xây dựng CQG hàng năm vào các dịp cuối năm để đánh giá, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề chưa làm được nhằm bảo đảm tiến độ đề ra. Có lẽ, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nói trên chính là kinh nghiệm cho việc thực hiện CQGVYT xã trong giai đoạn tiếp theo.
 
* Theo bác sĩ, Bộ CQGVYT xã giai đoạn 2011-2020 được ban hành với mức độ cao hơn trước và đòi hỏi khắt khe hơn sẽ khó khăn gì cho tỉnh trong quá trình thực hiện?
 
Sau 10 năm thực hiện CQGVYT xã, Bộ Y tế đã có những đánh giá tổng kết trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Quyết định 3447 về việc thực hiện Bộ tiêu chí QGVYT xã giai đoạn 2011-2020. Bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên chuẩn của giai đoạn cũ nhưng với mức độ cao hơn, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định mới được ban hành và khắc phục những mặt còn tồn tại. Sau khi Bộ tiêu chí được ban hành, Sở Y tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu tất cả các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát những xã, phường đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới. Trên thực tế, thực hiện tốt CQGVYT theo tiêu chí mới là góp phần đưa dịch vụ y tế đến gần dân hơn, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ y tế giữa thành thị với nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp khó khăn nhất định, bởi Bộ tiêu chí mới có đến 10 tiêu chí với 50 tiêu chuẩn cụ thể, trong đó có những tiêu chuẩn rất khắt khe như: nhận thức của người dân về vấn đề chăm lo sức khỏe, nhận thức của xã hội, rồi các vấn đề liên quan đến yếu tố sức khỏe (vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phối hợp trong cộng đồng)… Đây là những tiêu chuẩn mà với không ít địa phương không phải nói là làm được ngay. Bên cạnh khó khăn, Dak Lak vẫn có những thuận lợi, nhất là lợi thế về nguồn nhân lực của y tế xã, vì hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 90% xã, phường có bác sĩ.
Nhờ chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho y tế xã, các trạm y tế đã trở  thành địa chỉ tin cậy người dân tìm đến chăm sóc sức khỏe
Nhờ chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho y tế xã, các trạm y tế đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân tìm đến chăm sóc sức khỏe
* Nghĩa là trong giai đoạn mới 2011-2020, để thực hiện tốt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, Dak Lak phải tăng cường công tác tuyên truyền, thưa bác sĩ? 
 
Phải nhìn nhận rằng, giáo dục sức khỏe trong giai đoạn tới đặt ra một nhiệm vụ lớn hơn là giáo dục cho toàn dân hiểu được những kiến thức cơ bản về vấn đề chăm lo sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải…  Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe không chỉ tạo tiền đề cho quá trình thực hiện CQGVYT xã trong giai đoạn mới mà còn làm cho chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn. 
 
* Xin cảm ơn ông!
Kim Oanh
(thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc