Multimedia Đọc Báo in

Vai trò của can-xi đối với sức khỏe con người

09:02, 28/03/2012

Can-xi là yếu tố vi lượng rất quan trọng đối với cơ thể con người. Can-xi phân bố trong cơ thể con người như sau: 99% tồn tại trong xương, răng, móng chân, móng tay; 1% tồn tại trong máu, trong tổ chức tế bào và dịch ngoài tế bào và là một hằng số không thay đổi.

Can-xi giữ vai trò truyền dẫn thông tin, tham gia vào hầu hết các hoạt động của cơ thể và của tế bào. Nồng độ can-xi trong máu của người lớn, có sức khỏe bình thường là 9 - 11mg/dl.

Hằng ngày, nếu chúng ta ăn uống không đủ lượng can-xi cần thiết cho cơ thể, nồng độ can-xi trong máu sẽ tụt xuống. Khi nồng độ can-xi trong máu tụt xuống còn 7mg/dl thì cơ thể sẽ bị co cơ còn gọi là hiện tượng chuột rút. Khi bị chuột rút, thông tin này, truyền qua hệ thần kinh đến tuyến "cận giáp trạng". Nhận được thông tin này tuyến cận giáp trạng lập tức tiết ra hooc-môn tuyến giáp thúc đẩy can-xi trong xương (can-xi ở dạng hợp chất) chuyển thành ion can-xi bổ sung vào máu để duy trì sự cân bằng can-xi trong máu. Quá trình điều tiết này diễn ra rất nhanh chóng, cho nên cơ thể bị chuột rút thì cũng chỉ sau 1 đến 2 phút là khỏi. Điều đó cũng có nghĩa là nếu ngày nào chúng ta nạp không đủ lượng can-xi cần thiết cho cơ thể thì tự nó sẽ rút can xi trong xương của chúng ta ra sử dụng. Cuối đời chúng ta sẽ đối diện với bệnh loãng xương.

Do nguồn thức ăn của chúng ta không đủ lượng can-xi cần thiết cho nhu cầu của cơ thể, tuyến cận giáp trạng luôn bị kích thích tiết ra quá nhiều hooc-môn, chức năng tuyến cận giáp làm việc quá mức nên không còn kiểm soát được nồng độ can-xi trong máu nữa, do vậy nồng độ can-xi trong máu tăng cao > 1%, lên đến 13mg/dl, lúc đó cơ thể sẽ bị loạn nhịp tim. Khi tim loạn nhịp thì "tuyến giáp trạng" sẽ tiết ra hooc-môn để chuyển lượng can-xi thừa trong máu tới các tổ chức khác để duy trì ổn định nồng độ can-xi trong máu. Quá trình đó gọi là “Can-xi di chuyển”. Quá trình này tuy giúp ổn định được nồng độ can-xi trong máu nhưng nó lại để lại hậu quả như sau:

Nếu can-xi trong máu được điều chuyển ra các khớp xương thì sinh ra gai xương, làm thoái hóa, vôi hóa, viêm khớp. Gai xương chèn vào dây thần kinh sẽ sinh ra bệnh tê bì tay chân, bả vai, thần kinh tọa. Gai xương chèn vào mạch máu lên não sẽ sinh ra bệnh thiểu năng tuần hoàn não, gây đau đầu, mất ngủ, chóng mặt. Nếu can-xi chuyển tới tế bào thần kinh thì tế bào thần kinh bị lão hóa, đó là một trong những nguyên nhân gây ra chứng lú lẫn của người già, suy giảm trí nhớ... Nếu can-xi chuyển đến các tổ chức khí quan khác, lúc này nồng độ can-xi trong tế bào và dịch ngoài tế bào có sự biến đổi, dẫn đến tổ chức phần mềm bị xơ cứng, làm cho công năng của nhiều cơ quan trong cơ thể bị thoái hóa, suy yếu, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chúng ta bị lão hóa sớm. Nếu can-xi lấy trong xương ra chuyển vào mạch máu thì sinh chứng xơ cứng động mạch - một trong những nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim, huyết áp cao. Đây là căn bệnh nguy hiểm gây ra tỷ lệ tử vong đến 30% và ngày càng cao hơn trong tương lai.

Như vậy, thiếu can-xi gây ra tình trạng can-xi di chuyển tác động vào hệ thống trong cơ thể con người, gây ra nhiều bệnh khác nhau mà con người chúng ta thường mắc phải.

Tình trạng thiếu can-xi hoặc vitamin D sẽ dẫn đến bệnh còi xương, yếu xương, chậm lớn, lùn ở trẻ em và người lớn. Do vitamin D rất cần thiết cho hoạt động hấp thu can-xi, nên những người bị thiếu vitamin D cũng dễ thiếu can-xi. Thiếu can-xi, trẻ em thường có biểu hiện khóc đêm, đêm ngủ hay giật mình, dễ nổi cáu, rối loạn chức năng vận động, không tập trung tinh thần. Người già thiếu can- xi thường có biểu hiện suy nhược thần kinh, năng lực điều tiết thần kinh bị suy giảm như hay quên, mất ngủ hoặc ngủ ly bì hay ngủ mơ, đau đầu, dễ cáu, tính tình thay đổi thất thường.

Theo tài liệu “Hỏi đáp dinh dưỡng” của Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế), những thực phẩm giàu can-xi, trong thức ăn động vật gồm: cua đồng, ram tươi, tép khô, ốc đá, sữa bột tách béo, ốc nhồi, ốc vặn, ốc bươu, tôm đồng; Thức ăn thực vật gồm: Mộc nhĩ, rau dền cơm, cần tây, rau răm, cần ta, rau dền đỏ, rau dền trắng, lá lốt, rau kinh giới, rau húng, thìa là…

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.