Phòng tránh bệnh viêm kết mạc cấp
Một trong những bệnh mà hiện nay nhiều người mắc phải do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường đó là bệnh viêm kết mạc cấp, còn gọi là đau mắt đỏ. Bệnh này có xu hướng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng nên dễ gây thành dịch; tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách phòng ngừa và điều trị hợp lý thì sẽ tránh được dịch bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Mắt tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2012 Trung tâm đã khám và điều trị cho 2.967 lượt người mắc bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác do vi-rút gây bệnh; vi-rút này có rất nhiều trong nước mắt và gỉ mắt người bệnh, có thể lây qua các đường như: dùng chung các vật dụng sinh hoạt với người bệnh (do bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào các đồ vật), hoặc lây qua môi trường bể bơi... Ngoài ra, bệnh viêm kết mạc cấp còn lây qua đường nước bọt: nước mắt được tiết ra sau khi làm nhiệm vụ dinh dưỡng và làm sạch cho mắt sẽ thoát qua đường dẫn nước mắt (lệ đạo) để xuống mũi, họng. Ở người bị viêm kết mạc cấp trong nước mắt có chứa rất nhiều vi-rút và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì vi-rút sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.
Khi bị viêm kết mạc cấp, người bệnh có cảm giác cộm rát như có cát ở trong mắt, đau nhức vùng quanh mắt, gỉ bám chặt mi vào buổi sáng, trường hợp bệnh nặng hơn có thể nhìn mờ và sợ ánh sáng, kết mạc phù nề, mắt đỏ; bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc cấp là do vi trùng, nấm, vi-rút gây thành dịch viêm kết mạc. Thời gian ủ bệnh từ 2-3 ngày, với các triệu chứng: bệnh nhân thấy mệt mỏi, viêm họng, nổi hạch, mắt đỏ, sưng, ra nhiều gỉ, có thể buổi sáng ngủ dậy bệnh nhân không tự mở mắt ra được.
Nếu thấy các triệu chứng đau mắt như trên, người bệnh nên đến khám tại chuyên khoa Mắt để được hướng dẫn điều trị, không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt, tránh hậu quả bệnh lại nặng thêm... Trường hợp bị viêm kết mạc cấp bệnh nhân cần được cách ly, nghỉ học, nghỉ làm ít nhất 7 ngày sau khi bệnh khởi phát. Mọi người trong gia đình nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt... Đồng thời, phải luôn vệ sinh sạch sẽ, khi đi đường bụi phải đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt. Nếu thực hiện được các biện pháp trên thì sẽ giúp hạn chế được bệnh viêm kết mạc cấp.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Mắt tỉnh đưa ra lời khuyên: Khi bị bệnh cần điều trị tích cực ngay từ đầu vì không điều trị đúng cách bệnh sẽ nặng hơn có thể gây viêm kết mạc chấm, khô mắt... Khi bị bệnh cần cách ly, vệ sinh tốt trong sinh hoạt hằng ngày như rửa tay kỹ sau khi chăm sóc người bệnh, dùng riêng các vật dụng sinh hoạt như khăn mặt, gối, thau chậu... Bệnh nhân cần tự vệ sinh, lau chùi sạch sẽ kính khi khỏi bệnh; không dùng lá cây để đắp lên mắt, không tự ý pha nước muối để nhỏ mắt vì nếu pha nước muối không đúng nồng độ sẽ gây nguy hiểm cho mắt.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc