Một số lưu ý khi sử dụng thuốc
Thuốc là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng chất, tổng hợp được bào chế để dùng nhằm mục đích phòng và chữa bệnh. Mặc dù vậy, thuốc cũng có thể gây ra các tác dụng phụ cho người sử dụng như gây ra cảm giác khó chịu, độc hại, thậm chí nguy hại đến tính mạng nếu dùng không đúng cách hoặc quá liều.
Thuốc có thể được sử dụng bằng đường uống, tiêm, đặt âm đạo, bôi ngoài da, hít vào mũi, xông, phun mù, nhỏ (mắt, mũi, tai). Trong các cách sử dụng thuốc, cách dùng thuốc bằng đường uống vừa dễ thực hiện, vừa tiện lợi. Tuy nhiên, muốn dùng thuốc công hiệu và ít gây độc người bệnh cần phải tuân thủ một số điều sau:
Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, không nên lạm dụng dù đó là vitamin.
Khi điều trị bệnh, ngoài việc dùng thuốc cần có chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý nhằm góp phần cải thiện tình trạng bệnh.
Tuân thủ đúng chỉ dẫn về liều lượng và thời gian dùng thuốc ghi trong đơn thuốc.
Không tự ý tăng hoặc giảm liều vì có thể gây ngộ độc hoặc làm mất tác dụng của thuốc, không kéo dài thời gian dùng thuốc, bỏ thuốc giữa liệu trình điều trị.
Khi đang dùng thuốc nếu thấy khó chịu, ngứa, nổi mề đay, phù, khó thở,... phải ngừng thuốc ngay và hỏi ý kiến bác sĩ. Khi điều trị bệnh lần sau cần báo lại cho bác sĩ biết để không dùng lại loại thuốc đó, có thể đổi thuốc khác.
Không dùng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc thuốc bán dạo.
Trước khi dùng thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, các chống chỉ định.
Để phòng và trị bệnh đạt kết quả tốt cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Nên uống thuốc với nước đun sôi để nguội là tốt nhất, uống nhiều nước giúp tăng độ hấp thu thuốc.
Để tăng tác dụng điều trị, giảm tác dụng phụ của thuốc, có một số loại thuốc không dùng gần bữa ăn, có một số loại thuốc lại nên dùng gần bữa ăn; vì vậy, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
Không uống rượu, bia khi đang dùng thuốc.
Nhiều loại thuốc không được dùng chung một lúc vì sẽ làm mất tác dụng hoặc làm tăng độc tính của thuốc.
Khi dùng thuốc cho trẻ em cần lưu ý: Do các chức năng của nhiều cơ quan chưa phát triển hoàn thiện (gan, hệ thần kinh, tim mạch). Sự hấp thụ, phân phối, chuyển hóa, đào thải không như người lớn nên dễ xảy ra hiện tượng ngộ độc thuốc vì vậy tránh dùng thuốc của người lớn phân liều nhỏ ra cho trẻ dùng mà dùng dạng thuốc dành riêng cho trẻ.
Đối với phụ nữ có thai cần thận trọng khi dùng thuốc vì thuốc có thể gây ảnh hưởng cho thai nhi ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu thai phụ dùng thuốc có tác dụng cản trở sự phát triển của phôi thai thì có thể gây quái thai, dị tật bẩm sinh cho thai nhi như một số thuốc an thần, kháng sinh,... Thai phụ không nên dùng thuốc Tetracyclin vì có thể ảnh hưởng đến xương và răng của trẻ như đổi màu răng vĩnh viễn, biến dạng xương hay ức chế tăng trưởng của xương,... Do đó, khi có bệnh cần phải điều trị, thai phụ nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc.
Muốn điều trị bệnh có kết quả, cần uống đúng thuốc, đúng liều và đủ liều trong một đợt điều trị. Trước khi dùng thuốc, cần hỏi ý kiến bác sĩ về cách dùng, liều dùng, những điều cần tránh, các triệu chứng của những phản ứng phụ để điều trị kịp thời. Không nên lạm dụng thuốc dù là thuốc bổ.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc