Chăm sóc người nhiễm HIV và phòng ngừa lây nhiễm tại gia đình
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chăm sóc và chia sẻ với người nhiễm HIV; không chỉ giúp người nhiễm HIV yên tâm điều trị mà còn là động lực cho họ vượt qua những mặc cảm về bệnh tật, hòa nhập cuộc sống, tiếp tục làm việc. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa lây nhiễm HIV từ người nhiễm sang những người xung quanh là điều cần lưu ý, nhất là khi gia đình có trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS. Do vậy người chăm sóc HIV nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong chăm sóc người nhiễm HIV nhằm phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân và ngăn ngừa các virút khác xâm nhập ngược lại với người nhiễm HIV.
Theo các chuyên gia y tế, nếu tiếp xúc trực tiếp với máu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo của người nhiễm HIV hoặc các dịch tiết trong chăm sóc bệnh nhân, trong trường hợp người tiếp xúc có vùng da bị tổn thương sẽ có nguy cơ nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương tiện phòng hộ đúng cách, bảo đảm vệ sinh khi buộc phải tiếp xúc trực tiếp sẽ phòng ngừa nguy cơ nhiễm HIV từ người bệnh và ngược lại.
Khi gia đình có người bị nhiễm HIV cần trang bị các dụng cụ như: găng tay cao su, túi nilông và dung dịch khử trùng, sát trùng… để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Người bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh hoạt bình thường cùng gia đình như: ăn, uống chung, ngủ chung nhưng nhất thiết phải dùng bao cao su khi quan hệ tình dục và tránh tiếp xúc khi người bệnh có các vùng da bị tổn thương hoặc đồ dùng của người bệnh có dính máu. Nếu buộc phải tiếp xúc thì cần đeo găng tay y tế và lưu ý sau mỗi lần tiếp xúc với vết thương của người bệnh hoặc xử lý các vết máu, mủ, dịch tiết của người nhiễm, người chăm sóc nên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng đúng cách nhằm ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Chu Đức Thảo, Trưởng khoa Tư vấn - Chăm sóc và Điều trị HIV/AIDS (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh), trong chăm sóc người nhiễm HIV, gia đình và người chăm sóc cần đặc biệt lưu ý khi người bệnh bị sốt và đau đầu: cần cho bệnh nhân mặc quần áo rộng, thoáng mát, uống nhiều nước, nhất là nước trái cây hoặc súp; dùng khăn thấm nước lạnh rồi lau toàn thân, đặc biệt là nách, khuỷu chân, bẹn; cho uống thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol 500mg (uống từ 1-2 viên và khoảng 4-6 giờ/lần và lưu ý một ngày không uống quá 8 viên). Khi bệnh nhân bị tiêu chảy, gia đình có thể điều trị tiêu chảy tại nhà bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước theo chỉ dẫn của thầy thuốc để bù nước và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi người bệnh có các triệu chứng ở miệng như: các vết trắng, mụn rộm hoặc vết loét… nên cho người bệnh ăn thức ăn mềm, nghiền loãng thức ăn và sử dụng ống hút khi ăn, luôn giữ miệng sạch để tránh bội nhiễm. Khi bệnh nhân nôn ra máu, cần cho người bệnh nằm tư thế nửa người trên cao hơn và nằm nghiêng, sau đó dùng gạc lau. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: dùng thuốc nhưng không dung nạp, bị tiêu chảy, xuất hiện cơn hen, phát ban, ăn uống kém, sụt cân… gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để cấp cứu, điều trị kịp thời.
Hiện nay, tại Dak Lak đã có các phòng tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV miễn phí cho bệnh nhân HIV, trong những trường hợp cần thiết, gia đình có thể liên hệ điện thoại đến các phòng tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí để được tư vấn và hỗ trợ.
Hương Xuân-Đình Thi
Ý kiến bạn đọc