Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh và diễn biến phức tạp
Đến thời điểm hiện tại, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn diễn biến khá phức tạp: bệnh lan rộng với số ca mắc tăng đột biến, cao gấp hàng chục lần so với cùng kỳ…
Mặc dù chưa bùng phát thành dịch như một số tỉnh trong khu vực, song bệnh SXH ở tỉnh ta đã tăng rõ rệt khi “mùa bệnh” đến. Theo thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.123 ca bệnh SXH, tăng khoảng 30 lần so với cùng kỳ. Bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc mới tăng đột biến. Nếu như trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có 1.205 ca bệnh SXH, thì chưa đầy một tháng trở lại đây (từ ngày 1 đến 26-7) đã có thêm gần 920 ca bệnh SXH mới được ghi nhận. Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh SXH trên địa bàn diễn biến phức tạp là do ý thức chủ quan của người dân. Bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trên thực tế, chúng ta chưa thể tiêu diệt hết mầm bệnh SXH nên về mùa mưa, nhất là vào thời điểm mưa nhiều và liên tục mầm bệnh rất dễ bùng phát. Trong khi đó, cộng đồng lại chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH, lăng quăng (bọ gậy) chưa bị tiêu diệt một cách triệt để, thậm chí có tình trạng nhiều nơi để phế phẩm ứ đọng nước rất nhiều, qua đó đã vô tình tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển, mà lăng quăng tồn tại đồng nghĩa là có SXH”.
Một ca bệnh SXH điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Ngoài việc tăng mạnh về số lượng, năm nay, các trường hợp mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo trở lên tương đối nhiều, nhất là ở trẻ em số ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo trở lên chiếm đến 50%, đặc biệt đã xảy ra tình trạng sốc và tái sốc SXH. Chính vì vậy, công tác điều trị bệnh SXH cũng được ngành chú trọng. Ngay từ đầu mùa bệnh, hệ thống điều trị đã được tập huấn phác đồ điều trị SXH và chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho điều trị SXH. Bác sĩ Nguyễn Hai, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khoa đã chuẩn bị cơ sở vật chất tương đối đầy đủ phục vụ cho công tác điều trị bệnh SXH, từ giường bệnh, phòng bệnh, thuốc, dịch truyền, thậm chí chuẩn bị cả tách tiểu cầu để trong những trường hợp tiểu cầu giảm đến mức có chỉ định bắt buộc phải truyền thì có thể đáp ứng ngay. Đến thời điểm này, chúng tôi có thể đáp ứng điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu dịch xảy ra ồ ạt, bệnh viện cũng đã có kế hoạch chuyển các bệnh nội khoa điều trị tại khoa Truyền nhiễm lên khoa Nội, giành toàn bộ khu vực khoa chúng tôi để điều trị bệnh SXH”. Không chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà ở các bệnh viện tuyến huyện cũng đã bố trí khu vực điều trị bệnh nhân SXH và xây dựng sẵn phương án mở rộng thêm số giường bệnh khi cần. Song song với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Sở Y tế đã giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ trì việc hướng dẫn, kết nối về chuyên môn với các bệnh viện tuyến huyện và tuyến huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo cho tuyến xã để hệ thống điều trị được kết nối một cách thuận lợi, trường hợp có ca bệnh khó sẽ hội chẩn trực tiếp qua điện thoại để xử lý kịp thời, nhằm giảm tỷ lệ chuyển viện và bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Có thể thấy, để đối phó với diễn biến phức tạp của bệnh SXH trên địa bàn và thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, tử vong do SXH, ngoài việc bảo đảm công tác điều trị đúng, kịp thời cho người bệnh, ngành Y tế tỉnh còn có những động thái tích cực để khống chế bệnh SXH không bùng phát thành dịch. Trong đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các đơn vị y tế với các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống SXH. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: giám sát mật độ côn trùng, chỉ số muỗi, bọ gậy ở tất cả các tuyến, trong đó chú trọng đến các địa bàn trọng điểm của SXH; phun hóa chất chủ động tại những vùng trọng điểm. Ngoài ra, ngành Y tế còn tăng cường vận động nhân dân tham gia vào hoạt động diệt muỗi, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng như làm sạch môi trường xung quanh nhà, phát quang bụi rậm để chống muỗi; loại bỏ các nơi nước ứ đọng, thường xuyên thay rửa các dụng cụ chứa nước, đậy nắp lu, khạp chứa nước để muỗi không có nơi sinh sản… nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc SXH. Đặc biệt, với hai huyện trọng điểm có nhiều ca bệnh là Ea Kar và Buôn Đôn, ngành đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện phân công nhân lực xuống tận các xã để kiểm tra, hướng dẫn cho người dân kỹ năng xử lý môi trường, ngăn chặn không cho bệnh bùng phát.
Theo nhận định của ngành Y tế, từ nay đến cuối năm, tình hình SXH trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó để chủ động phòng bệnh, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần biết bảo vệ mình khỏi bệnh SXH bằng việc ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, không cho muỗi phát sinh.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc