Bỏng - Quan niệm và cách xử trí sai lầm cần khắc phục
Bỏng nước sôi, bếp lửa, thức ăn nóng.... là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nhất là đối với các em nhỏ do sự trông nom không cẩn thận của người lớn. Tuy nhiên một số người có những cách hiểu, cách làm không đúng khi xử trí vết bỏng ban đầu nên đã có những ảnh hưởng bất lợi đến quá trình điều trị, thậm chí có trường hợp còn gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Do đó dự phòng các tai nạn gây bỏng, biết cách xử trí sớm và đúng là một vấn đề cấp thiết và cần thiết để mỗi người, mỗi gia đình cần biết khi tai nạn bỏng xảy ra.
Một bé sơ sinh bị bỏng nước sôi đang được truyền nước tại Phòng Điều trị bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Trần Lan |
Theo báo cáo của Phòng Điều trị bỏng thuộc Khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong năm 2012, có 220 ca bị bỏng nhập viện, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 80%, chủ yếu bỏng nước sôi (chiếm 70%), còn lại là bỏng điện, lửa và một số hóa chất khác, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 1%. Riêng quý I năm 2013 có 63 ca bị bỏng, có trường hợp bỏng nặng đến 80% và chiếm đa số vẫn là trẻ em bị bỏng nước sôi. Bác sĩ Trần Minh Mẫn, phụ trách Phòng Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Bệnh nhân bị bỏng rải rác quanh năm nhưng thường thì đến kỳ nghỉ hè, số ca bỏng nhập viện tăng lên. Nguyên nhân là do các cháu không đến trường, bố mẹ lại đi làm, không có sự quản lý của người lớn khiến trẻ em rất dễ bị bỏng nhất là bỏng nước sôi và bỏng điện.” Có nhiều trường hợp sau khi bị bỏng, người nhà nạn nhân đã bôi lên vết bỏng một vài loại chất liệu như: kem đánh răng, mỡ trăn, nước mắm và một vài loại thuốc dân gian khác... trước khi được đưa đến bệnh viện. Việc bôi các chất như trên không giảm được mức độ thương tổn của vết thương mà vô tình gây nhiễm trùng và làm mất thời gian để sớm đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế, hơn nữa bệnh viện lại phải tiến hành tắm rửa, tẩy bỏ các chất đã bôi gây đau đớn thêm cho bệnh nhân”. Vì vậy, khi bị bỏng (trừ bỏng điện) tốt nhất nên ngâm hoặc đưa vết bỏng dưới vòi nước chảy liên tục vào chỗ bỏng từ 15-20 phút để hạ nhiệt độ phần vết bỏng, tránh bỏng sâu; nên ngâm rửa vết bỏng trong vòng 10 phút sau khi bỏng, còn nếu để lâu quá 45 phút thì việc ngâm rửa không còn tác dụng. Sau khi ngâm rửa xong nên dùng tấm vải sạch băng vết bỏng lại để tránh không bị phồng rộp và đưa ngay đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị. Trường hợp bỏng điện, cần thật bình tĩnh, tìm mọi cách cúp ngay cầu dao, hoặc dùng cây khô để gỡ dây điện đang tiếp xúc với bệnh nhân, sau đó kéo nạn nhân ra ngoài, làm hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt. Khi bệnh nhân tự thở, tim đập lại được mới băng kín vết bỏng và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp bỏng hóa chất như axit, kiềm... nếu còn dính quần áo thì nhanh chóng cởi bỏ giày, dép, áo, quần và ngâm vết thương vào nước lạnh khoảng 15-20 phút, sau đó băng kín vết bỏng và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.
Theo quan niệm dân gian, người bị bỏng thường không dám ăn thịt bò, thịt gà, rau muống, không uống nước cam, nước chanh... vì sợ lồi thịt, chảy nước vàng. Theo bác sĩ Mẫn, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, phản khoa học. Khi bị bỏng, cơ thể mất nhiều nước cùng với nước là các chất khoáng, nếu mất nước và các chất khoáng trong thời gian dài sẽ làm cho cơ thể thiếu hụt trầm trọng các chất dinh dưỡng. Vì vậy, khi bị bỏng, bệnh nhân cần phải ăn uống đủ chất, ăn nhiều, không kiêng bất kỳ thức ăn nào. Quan trọng nhất là uống nhiều nước, đây là một trong những biện pháp bù trả lượng nước đã mất.
Mặc dù tỷ suất tử vong do bỏng thấp, song những thương tổn về mặt hình thể như bỏng nhẹ thì để lại sẹo, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, nặng thì tàn tật suốt đời; đối với trẻ em, bị bỏng dễ bị suy dinh dưỡng và sức đề kháng kém cũng giảm dần, ngoài ra ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ như dễ gây ra hoảng loạn, sợ hãi, đặc biệt là gánh nặng về tài chính cho gia đình và xã hội vì việc chữa chạy khá tốn kém.
Để tránh những tai nạn bỏng, mọi người nhất là các bậc cha mẹ, người lớn tuổi ngoài việc tự phòng tránh thì đặc biệt phải luôn chú ý bảo vệ trẻ em, không cho trẻ đến gần khu vực lửa, điện, nồi cơm, nồi canh nóng, không để thức ăn, đồ nóng ngang tầm tay của trẻ; không để trẻ tiếp xúc với diêm, bật lửa; không để trẻ tự tắm dưới vòi nước nóng lạnh; quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa và quan trọng là luôn trông trẻ, để mắt đến trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc