Bệnh giun xoắn và cách phòng chống
Loại ấu trùng này cũng từng được bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phát hiện trong lươn, loài thủy sản rất được ưa chuộng tại các quán nhậu. Món lòng luộc chưa kỹ cũng chứa nhiều nguy cơ do ấu trùng giun xoắn sau khi vào dạ dày, xuống ruột non, nở thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. ấu trùng do giun cái đẻ ra sẽ theo máu xâm nhập các cơ, phát triển thành kén, tồn tại ở đây khoảng 20 năm và duy trì khả năng gây ô nhiễm suốt thời gian này.
Nguy hiểm của bệnh giun xoắn là bệnh này có thể làm cho bệnh nhân suy kiệt, với các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy 2-7 ngày sau khi ăn. Một tuần sau, bệnh nhân sốt cao, mê man, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần lễ thứ ba, thấy đau giữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được.
Bệnh nhân có thể tử vong vào tuần thứ hai và tuần thứ bảy tùy mức độ nhiễm. Phần lớn tử vong do suy nhược cực độ kèm theo biến chứng phổi và lột da. Những người may mắn sống sót vẫn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.
Triệu chứng cơ bản của giun xoắn: Phù mi mắt là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể kèm theo phù và chảy máu kết mạc, đôi khi phù toàn bộ đầu, có khi phù cả cổ và chi trên.
Sốt: Thân nhiệt tăng dần, sau 2-3 ngày sốt cao tới mức tối đa. Trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ.
Tăng bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan tăng trong những ngày đầu của bệnh, thậm chí trong thời kỳ ủ bệnh và tăng cao nhất vào tuần thứ ba của bệnh. Ngoài những triệu chứng nêu trên còn xuất hiện những nốt ban trên da giống mề đay.
Trong trường hợp bệnh nặng, thường xảy ra các biến chứng vào tuần thứ ba, thứ tư như viêm cơ, viêm phổi, viêm não, làm bệnh nhân có thể tử vong.
Biện pháp phòng bệnh: Không ăn thịt lợn chưa nấu chín, đặc biệt là không ăn tiết canh, nem, gỏi làm theo cách cổ truyền (thịt chưa nấu chín).
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc