Nấm da đầu - ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ
Nấm da đầu không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy và khó chịu, làm mất tự tin và ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân.
Theo Ths.Bác sĩ Chu Đức Thảo, Phòng khám chuyên khoa da liễu, 95 Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột), có ba nguyên nhân chính gây nên bệnh nấm da đầu: do cơ địa tiết bã, da nhiều nhờn, ẩm thuận lợi cho nấm phát triển; do vệ sinh hằng ngày như dùng các chế phẩm dầu gội có tính tẩy rửa mạnh, dẫn đến da đầu bị kiềm hóa, thiếu độ ẩm để cân bằng độ phục hồi và bảo vệ của da đầu. Ngoài ra còn do chế độ dinh dưỡng ăn quá nhiều đồ ngọt, làm cho đường huyết cao, là điều kiện cho nấm xâm nhập trên da”.
Nấm da đầu lan rộng bằng cách lây lan trực tiếp qua các tế bào trên da đầu, hay gián tiếp do việc dùng chung mũ, lược, dây buộc tóc với người mắc bệnh. Nấm da đầu hiếm có trường hợp lây từ chó mèo sang người.
Nấm da đầu là nguyên nhân dẫn tới hói đầu, rụng nhiều tóc, bong vảy, loét, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và có mùi lạ trên da đầu. Nếu bệnh nhân gãi nhiều thì có thể gây nhiễm trùng và các mụn mủ xuất hiện. Khi gãi, các sợi nấm dính ở móng tay có thể làm lan thêm các tổn thương da mới ở thân mình, bẹn, mông và làm tổn thương móng. Nếu để lâu không chữa thì nấm có thể ăn hỏng các móng tay, móng chân...
Nấm da đầu rất dễ lây lan, cần lưu ý để phòng tránh cho các thành viên trong gia đình. Cũng theo Ths. Bác sĩ Chu Đức Thảo, cách tốt nhất để giảm nguy cơ gây bệnh nấm da dầu là:
*Tắm gội thường xuyên, đúng cách.
*Dùng các chế phẩm dầu gội có độ PH phù hợp với từng loại da đầu và gội xong nên dùng dầu xả để cân bằng độ ẩm cho tóc và da đầu.
*Phải để khô tóc trước khi đội nón, mũ.
*Nếu da bạn thuộc loại da dầu thì hạn chế ăn mỡ và ăn ít đồ ngọt.
*Không dùng chung các vật dụng như: mũ, lược, dây buộc tóc...
Khi bạn phát hiện mình đã bị nhiễm nấm da đầu thì hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời, không nên tự ý mua thuốc bôi để tránh bệnh nặng hơn.
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc