Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa nhiễm giun sán ở trẻ em

09:15, 06/12/2013
Nhiễm giun sán là bệnh nhiễm ký sinh trùng, phần lớn lây qua đường tiêu hóa nhưng có thể lây qua da hoặc do côn trùng cắn.

Ở nước ta có các loạn giun như: giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn. Sán thì có sán dải bò, sán dải heo, sán dải chó, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán phổi… Giun sán lây qua đường tiêu hóa như khi ăn các loại rau quả chưa được rửa sạch; ăn các loại thịt tái hay những thức ăn còn sống, uống nước lã. Việc đựng đồ ăn thức uống vào chén bát rửa chưa được sạch sẽ hoặc rửa bằng nguồn nước bẩn, nhất là ăn ở những quán ăn ven đường cũng dễ làm nhiễm giun sán. Ngoài ra, giun sán cũng có thể lây truyền qua đường trung gian vào cơ thể như khi trẻ chơi với chó, mèo, trẻ ngậm đồ chơi, tiếp xúc với đất và bụi bẩn…

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tâm, Trưởng khoa Ký sinh trùng Trung tâm Phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh cho biết: Biểu hiện lâm sàng dễ nhận thấy khi bị nhiễm giun sán là gây rối loạn tiêu hóa như: trẻ hay đau bụng, đi cầu phân lỏng; da xanh xao do thiếu máu; trẻ bụng to bè, chậm lớn, hay bực tức, quấy khóc, lười vận động; trẻ ngứa hậu môn, hay gãi hậu môn nhất là vào ban đêm; trẻ ngủ không yên, hay nghiến răng, co giật… Bị nhiễm giun sán trong 1 thời gian dài sẽ làm trẻ bị suy dinh dưỡng gây chậm lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, thậm chí còn gây ra các bệnh khác: bị nhiễm sán lá gan có thể gây áp xe gan, gây tắc ống mật khi giun đũa chui vào ống mật… Khi bị nhiễm giun sán không gây ra hậu quả tức thì nên nhiều người còn chủ quan không uống thuốc tẩy giun định kỳ. Chỉ đến khi cơ thể quá khó chịu hay gây ra một số bệnh khác như áp xe gan do nhiễm sán lá gan lớn, hoặc thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, viêm nhiễm da… và được chẩn đoán là do cơ thể nhiễm giun sán thì người ta mới nhận thấy tầm quan trọng của việc uống thuốc tẩy giun. Nhiễm giun sán kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây tốn kém về kinh phí điều trị mà có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. 

Khi bị nhiễm giun sán, ngoài việc giun sán cư trú và lấy các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun sán còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ. Khi nhiễm giun sán, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng nên các trẻ sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác, lở loét ngoài da, tắc ruột, tắc ống mật, thủng ruột. Đó là chưa kể những biến chứng như: giun chui ống mật, tắc ruột, hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm…

Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn (1 tuổi cũng có thể tẩy giun). Để trẻ được điều trị đúng bệnh cần đưa trẻ đến Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố, thị xã để làm các xét nghiệm máu và phân cho trẻ, sau đó bác sĩ sẽ chỉ định thuốc và liều lượng uống cho phù hợp với từng loại giun sán và lứa tuổi của trẻ.

Để phòng ngừa nhiễm giun sán: Cần tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cần làm gương, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn. Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn, khi ăn, trước khi bế trẻ và cho trẻ ăn. Rửa tay sạch sẽ sau khi đi đại tiểu tiện. Giáo dục trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không uống nước lã, ăn thức ăn đã bị ôi thiu, hỏng mốc, đồ ăn tái, rửa kỹ rau và hoa quả trước khi ăn. Che đậy thức ăn cẩn thận, tránh để ruồi, chuột, gián… bò vào. Luôn đi giày dép kể cả ở trong nhà. Không để trẻ mặc quần thủng đũng, nằm, bò trườn dưới đất để hạn chế lây nhiễm giun sán.

Nên uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Tẩy giun dự phòng cho cả nhà khi trong gia đình có một người bị nhiễm giun. Phát hiện sớm và điều trị dứt điểm người bị nhiễm giun sán để giảm bớt nguồn lây. Đối với trẻ đã được tẩy giun rồi mà vẫn gầy còm, xanh xao, kém ăn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra lại xem có bị bệnh giun sán gì khác không hay trẻ bị các bệnh khác như: còi xương,  suy dinh dưỡng... để chữa trị kịp thời.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.