Multimedia Đọc Báo in

5 nguyên nhân gây bất lợi cho sức khỏe những người làm việc văn phòng

15:30, 21/02/2014

Mệt mỏi kinh niên là căn bệnh "mãn tính" của dân văn phòng, đặc biệt là phụ nữ. Nguyên nhân rất đa dạng trong đó có những yếu tố do chính những người trong cuộc gây ra như 5 lý do sau đây:

1. Kiệt sức

Đây là lý do gây bệnh rất tiềm ẩn, nhất là nhóm phải làm việc nhiều giờ liên tục, áp lực cao, luôn chạy theo tiến độ, bị thúc ép từ nhiều phía, cả ngày lẫn đêm, công sở lẫn gia đình. Dấu hiệu kiệt sức thường thấy như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, không kiểm soát được bản thân, không biết mình kiệt sức và vẫn cố gắng để làm việc. Năm 2011, tại Canada người ta làm cuộc điều tra ở dân văn phòng và phát hiện thấy có tới 54% những người làm công tác quản lý bị kiệt sức ở mức độ khác nhau.

- Giải pháp: Theo các chuyên gia ở Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) thì nên làm việc có kế hoạch, khoa học, giờ nào việc nấy, nên nhận mặt các “thủ phạm” làm căng thẳng trong công việc để xử lý kịp thời. Nếu cần có thể nói thẳng với sếp, cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Và cuối cùng cũng nên nhớ, công việc diễn ra hàng ngày giống như cuộc sống, không nên ham công tiếc việc. Tiền bạc, tiếng tăm cũng quý nhưng sức khỏe con người còn quý hơn nhiều.

2. Tư thế ngồi không đúng

Nếu tư thế ngồi không đúng, nghiêng ngả xiêu vẹo kéo dài sẽ làm tăng stress, gây đau lưng và nhiều bệnh nan y khác lúc cuối đời. Theo khuyến cáo, nên điều chỉnh độ cao ghế ngồi cho hợp lý, có nơi để chân, luôn duy trì đầu gối cao bằng với hông, ngồi thẳng. Nếu làm việc trên máy tính thì ngồi sát vào phía sau, hơi tựa lưng về phía sau, không nên ngồi mép ghế, gù lưng suốt cả ngày. Mỗi người có tư thế ngồi riêng, nhưng nên chọn cho mình một tư thế phù hợp nhất mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là gây đau lưng, mỏi gối.

3. Ăn uống thiếu khoa học tại công sở

Rất nhiều người làm việc hành chính, nhất là phụ nữ thường duy trì thói quen ăn vặt bất lợi, thiếu khoa học. Ví dụ, ăn nhiều đồ ngọt, nghiện món khoái khẩu và từ chối món ăn hữu ích. Theo khuyến cáo, ăn vặt trong ngày tốt, nhưng nên ăn điều độ, hợp lý, tập trung vào nhóm thực phẩm có lợi và cân bằng lượng calo. Ví dụ, thay vì đồ ăn nhanh chiên rán, nên ăn các loại thực phẩm như hoa quả. Hạn chế hoặc tránh ăn đồ ngọt, kể cả nước giải khát có gas, hạn chế thực phẩm đóng hộp và nên đọc kỹ nhãn mác để dùng cho hợp lý và có lợi.

4. Ngồi nhiều

Tạp chí Journal of Epidemiology  của Mỹ số ra năm 2013 đã đăng tải nghiên cứu dài kỳ ở trên 120.000 người và phát hiện thấy những ai ngồi trên 6 tiếng/ngày thì rủi ro mắc bệnh béo phì, tử vong cao hơn so với những người ngồi 3 tiếng/ngày. Một trong những lý do bất lợi của ngồi nhiều là do các enzyme làm nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn ít hoạt hóa hơn, phát sinh  béo phì và những hệ lụy sức khỏe khác.

- Giải pháp: Để giúp cơ chế chuyển hóa của cơ thể làm việc tốt thì cứ 15 phút ngồi nên đứng lên đi lại,  vươn vai luyện tập, hoặc cứ ngồi 1 giờ thì nên giải lao 5-10 phút đi lại hoặc làm việc ở tư thế đứng.

5. Làm gián đoạn đồng hồ sinh học

Theo nghiên cứu Radiant Woman’s Handbook  thì cơ thể con người cần đến ánh nắng mặt trời để giúp đồng hồ sinh học cơ thể "vận hành tốt. Nhịp sinh học của cơ thể có nhiệm vụ kích hoạt các hoạt động của cơ thể như quá trình chuyển hóa, ngủ nghỉ nhưng nếu ngồi trong phòng khép kín, ít tiếp xúc sẽ làm cho cơ thể suy yếu. Nên bố trí thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là sau lúc ăn trưa, hoặc lúc giải lao buổi chiều. Đi bộ trong khuôn viên công ty, tiếp xúc ngoài trời không chỉ thư giãn, giảm mệt mỏi, hít thở không khí trong lành nên giấc ngủ vào buổi tối được cải thiện tốt hơn.

Khắc Nam

(Theo BH 1-2014)


Ý kiến bạn đọc