8 nhóm thực phẩm "đánh cắp" tính thông minh của con người
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của thực phẩm, tuy nhiên một khi lạm dụng sẽ tạo ra hiệu ứng ngược "lợi bất cập hại", thậm chí còn làm gia tăng nhiều chứng bệnh nan y. 8 nhóm thực phẩm dưới đây được xem là gây suy giảm trí nhớ, triệt tiêu tính thông minh của con người.
1. Nhóm thực phẩm nhiều đường
Đường và thực phẩm nhiều đường không chỉ phát sinh béo phì, dư thừa trọng lượng mà còn có hại cho các chức năng não bộ. Nếu lạm dụng sẽ phát sinh các chứng bệnh liên quan đến thần kinh, trí tuệ, ảnh hưởng đến khả năng học hành, vì vậy giới ẩm thực khuyến cáo mọi người nên hạn chế đồ ngọt, tuy dễ ăn, ngon miệng nhưng lâu dài có thể gây nghiện, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngoài thực phẩm nhiều đường, phải kể đến đồ ăn thức uống chứa nhiều chất ngọt nhân tạo. Nó vừa là thực phẩm "rỗng", ít calo lại gây hại cho cơ thể. Nếu lạm dụng, có thể gây tổn thương não và ảnh hưởng xấu tới nhận thức, nhất là ở nhóm người trẻ tuổi.
2. Rượu
Đây là đồ uống được nhiều người ưa dùng, nếu lạm dụng lâu dài rất độc đối với cơ thể, đặc biệt là não, gây ra hiệu ứng “brain fog” - hiện tượng phù màng não hay còn gọi là tình trạng rối trí. Bằng chứng, những người say rượu thường nói nhiều, quên bẵng nhiều thứ hoặc không thể nhớ lại một sự kiện cụ thể đã xảy ra và tệ hơn, nếu nghiện, lệ thuộc vào rượu thì trí nhớ càng sa sút mạnh. Lạm dụng rượu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của não, làm mất sự cân bằng của não bộ. Nếu bỏ rượu những triệu chứng trên có thể giảm dần, sức khỏe não được phục hồi, vì vậy mọi người nên hạn chế hoặc tránh xa nhóm đồ uống này, nếu có chỉ nên dùng 1-2 ly mỗi tuần.
3. Junk food (thực phẩm vô bổ)
Junk food là thuật ngữ mới ra đời trong thời gian gần đây, nói về nhóm thực phẩm vô bổ bởi chứa calo rỗng. Đặc thù của junk food là nhiều đường, mỡ, muối, gas và phụ gia bảo quản nhưng lại chứa rất ít, hoặc không có chất xơ, vitamins, khoáng chất. Rất khó phân biệt giữa junk food với fast food (thức ăn nhanh) và ngược lại.
Theo nghiên cứu do Đại học Montreal, Canada (UOM) thực hiện và công bố gần đây cho thấy thực phẩm junk food có thể làm thay đổi các hóa chất não, phát sinh nhiều chứng bệnh thần kinh nan y, như lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, junk food còn có chứa nhiều chất béo, gây suy giảm quá trình sản xuất dopamine, một hóa chất quan trọng của não bộ, tạo ra cảm giác hài lòng, hạnh phúc, hỗ trợ chức năng nhận thức, khả năng học hỏi, sự tỉnh táo, động lực và khả năng lưu giữ trí nhớ của con người và một khi dopamine suy giảm, kéo theo hàng loạt bệnh, thậm chí còn làm cho người ta thất vọng, chán sống, gia tăng trầm cảm, quyên sinh . Chính vì những mặt trái này mà giới thần kinh khuyến cáo mọi người tranh xa thực phẩm nói trên.
4. Thực phẩm chiên rán, đã qua chế biến sơ bộ
Hầu hết nhóm thực phẩm đã chế biến thường có chứa hóa chất, phụ gia, hương vị nhân tạo, chất bảo quản và chất nhuộm màu, gây bất lợi cho cơ thể, ảnh hưởng tới hành vi và chức năng nhận thức. Đặc biệt, nó còn làm tăng hội chứng hiếu động thái quá ở trẻ em lẫn người lớn. Chưa hết, nhóm thực phẩm chiên rán hoặc đã qua chế biến có thể phá hủy âm thầm các tế bào thần kinh não bộ.
Cùng với thực phẩm chiên rán, nhóm thực phẩm đã qua chế biến hoặc nấu chín sơ bộ cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng chứng rối loạn thoái hóa não khi con người ta về già, điển hình có bệnh alzheimer (sa sút trí tuệ).
5. Thực phẩm quá mặn
Mọi người đều biết, "ăn mặn khát nước" đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, riêng thực phẩm quá mặn còn ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp, gây bệnh tim mạch. Chưa hết, theo nhiều nghiên cứu cho thấy thực phẩm chứa nhiều muối còn ảnh hưởng tới chức năng nhận thức, trí nhớ, trí thông minh của con người. Ăn quá mặn ảnh hưởng tiêu cực tới trí thông minh, nhất là khi lạm dụng dài kỳ. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện thấy, đồ ăn quá mặn và nicotine còn gây hiệu ứng nghiện giống như ma túy, nếu nghiện cả hai thứ này rất khó bỏ, trừ khi có quyết tâm cao.
6. Thực phẩm protein đã qua chế biến
Protein là những khối vật liệu tạo nên cơ bắp, bởi vậy chúng rất quan trọng cho các hoạt động hằng ngày của con người. Thịt là nhóm thực phẩm giàu protein chất lượng cao, nhưng khi dùng nên tránh nhóm protein đã qua xử lý, rán nướng trực tiếp trên ngọn lửa hồng, như xúc xích, lạp xưởng hay những thực phẩm tương tự. Không giống protein tự nhiên, giúp ích cho hệ thần kinh, protein đã qua chế biến thì ngược lại. Vì lý do duy trì trí nhớ, trí thông minh nên hạn chế nhóm thực phẩm này và thay bằng thực phẩm tươi sống, như tôm cá tự nhiên, nhất là cá hồi và cá ngừ, sản phẩm từ sữa, các loại hạt có nguồn protein tự nhiên chất lượng cao có lợi cho sức khỏe.
7. Mỡ trans-fat
Trans-fat còn có tên gọi khác trans-fatty acid, nghĩa là axít béo chuyển hóa, axít béo dạng trans hay axít béo đồng phân nhân tạo; hoặc có thể hiểu là dầu mỡ dùng đi dùng lại. Theo nghiên cứu thì mỡ trans-fat có mức độc hại giống như chất béo bão hòa (saturated fat), làm tăng các loại mỡ máu như lipoprotein, triglyceride, cholesterol xấu (LDL) và làm giảm lượng cholessterol tốt (HLD), gia tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa, tắc nghẽn động mạch, giảm lưu lượng máu đi nuôi tim, tạo ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các chứng bệnh mãn tính nguy hiểm khác như tiểu đường, ung thư… Ngoài ra, nhóm mỡ này còn tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho bộ não, làm cho não chậm chạp, giảm khả năng phản xạ cũng như các phản ứng của não bộ. Theo nghiên cứu, nếu dùng mỡ trans-fat lâu dài rất dễ mắc chứng co ngót não, tương tự như hội chứng co ngót não ở người mắc bệnh alzheimer theo cơ chế mỡ trans-fat làm tổn thương động mạch một cách từ từ và lâu ngày gây suy yếu, co ngót, gây sa sút trí tuệ mà người ta quen gọi là bệnh lú lẫn.
8. Nicotine
Tuy không phải là thực phẩm đích thực nhưng nicotine lại được tiêu thụ giống như thực phẩm và rất gần gũi với con người. Nếu lạm dụng sẽ gây nguy hiểm không khác gì những nhóm thực phẩm vừa đề cập ở trên. Nicotine tàn phá não bộ bằng cách phong bế máu lưu thông lên não, giảm lượng glucose và ôxy mang lên não. Bản chất nicotine là hóa chất cực độc, nên nó không chỉ gây lão hóa sớm, làm cho hơi thở có mùi mà còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi cũng như ảnh hưởng tới khả năng sản xuất và chức năng của chất truyền dẫn thần kinh thông qua cơ chế làm co thắt mao mạch, cứng hóa mạch máu và cuối cùng làm giảm chức năng não bộ, tạo ra nhiều biến chứng nan y; nhẹ thì suy giảm trí nhớ, nặng có thể dẫn đến lú lẫn, hoặc đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.
Duy Hùng
(Theo Fitnea - 4/2014)
Ý kiến bạn đọc