Multimedia Đọc Báo in

Tật khúc xạ học đường và cách phòng tránh

09:10, 07/05/2014
Tật khúc xạ (nhiều nhất là cận thị), ngày càng gia tăng ở lứa tuổi học sinh. Cũng có một số ít trường hợp bị tật khúc xạ ở tuổi rất nhỏ, hoặc ở tuổi trưởng thành sau những lần thay đổi lớn về sức khỏe như: thai sản, chấn thương, bệnh lý nội khoa… Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem ti vi, sử dụng vi tính không hợp lý...

Triệu chứng chính của tật khúc xạ là nhìn không rõ, ngồi ở cuối lớp không thấy bài trên bảng để chép; các em thường nheo mắt lại, nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ, hoặc tiến đến ngồi gần máy khi xem ti vi, đôi khi hoa mắt, chói mắt, chảy nước mắt…

Các loại tật khúc xạ thường gặp ở lứa tuổi học sinh:

Cận thị: là khi nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần thì rõ; để nhìn một vật ở xa thường phải nheo mắt, hoặc muốn nhìn rõ thì phải đưa vật đó đến gần. Ở trẻ bị cận thị khi đọc hoặc viết thường hay cúi sát vào sách, vở.

Viễn thị là khi nhìn vật ở xa rõ hơn nhìn vật ở gần.

Loạn thị là khi nhìn xa hay gần đều mờ, biến dạng hình ảnh. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn lên bảng, hay đọc nhầm, chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, hay hình tròn nhìn thành hình quả trứng... Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận thị hay viễn thị.

Lệch khúc xạ tức là một mắt cận còn mắt kia viễn, hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn.

Hiện nay, một số phụ huynh khi con bị tật khúc xạ hay tự ý đi mua kính hoặc đến cơ sở không có chuyên khoa. Tuy nhiên việc cắt kính không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt của trẻ sau này, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa. Vì vậy, để bảo vệ đôi mắt của trẻ cần phát hiện sớm những bệnh về mắt có liên quan đến tật khúc xạ. Người chăm sóc trẻ, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần thông báo với phụ huynh khi thấy trẻ có những biểu hiện như: nhìn xa thì mờ, nhìn phải nheo mắt hay nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, nhìn mờ khi chiều tối, trẻ hay dụi mắt… để đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa khám và phát hiện tật khúc xạ. Phát hiện sớm được tật khúc xạ các bác sĩ sẽ chỉnh tật cho trẻ và có thể khôi phục như bình thường.

Ngoài ra, nên thực hiện đúng các biện pháp như: Giảm mọi căng thẳng của mắt bằng cách không thức quá khuya để đọc sách, hạn chế thời gian xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính, không đọc sách, truyện có chữ và hình ảnh không rõ, chữ quá nhỏ hoặc khi đang di chuyển bằng xe máy, ô tô. Bố trí bàn ghế ngồi học phải phù hợp với từng lứa tuổi, bảo đảm phòng học đủ ánh sáng, sử dụng sách vở được in rõ ràng, đủ độ sáng, dễ đọc: Khi học ở nhà nên cho trẻ nghỉ giải lao 5-10 phút sau mỗi giờ học, kê bàn học ở gần cửa sổ để ban ngày ngồi học bằng ánh sáng tự nhiên. Không xem tivi quá 45-60 phút, không nên ngồi quá gần hay quá xa màn hình. Có thể luyện cho trẻ nhìn vào một điểm ở xa để giúp mắt thư giãn. Nên hướng dẫn học sinh ngồi học đúng tư thế như ngồi thẳng lưng, hai chân khép lại với hai bàn chân để sát sàn nhà, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Luôn để mắt xa sách vở với một khoảng cách thích hợp, từ mắt đến trang sách là 25-35cm. Có chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể và bảo đảm cho trẻ ngủ từ 8 - 10 giờ/ngày, giảm hợp lý cường độ học tập. Nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc