Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng bệnh bại liệt

15:13, 14/07/2014
Từ đầu năm đến nay, trên thế giới đã có 68 trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại, chủ yếu ở 10 nước thuộc châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, mặc dù đã thanh toán bại liệt từ năm 2000, song nguy cơ bại liệt xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Bại liệt là bệnh do virus gây nên, dễ dàng lây từ người sang người. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 2-8 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2-4 tuổi chiếm 60-80%. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, thông qua thức ăn, nước uống, tay và dụng cụ nhiễm bẩn. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 5-35 ngày và không có dấu hiệu mắc bệnh, do đó rất khó phát hiện trẻ nhiễm bệnh. Đối với những trẻ mắc bệnh khi đã sốt cao từ 39-400C thì có biểu hiện như: rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đi ngoài phân bón hoặc lỏng), li bì hoặc vật vã, hay kêu khóc, đau và co cứng các cơ vùng cổ, thân mình và sau đùi làm trẻ mệt mỏi, sức yếu, đôi khi có hiện tượng co giật nhẹ ở những cơ sau này sẽ bị liệt. Trường hợp nặng thì bị liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng để lại di chứng liệt suốt đời.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện nay, tại Dak Lak cũng như cả nước chưa có trường hợp nào mắc bệnh, song để ngăn chặn bệnh xâm nhập, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân phòng bệnh, ngành Y tế Dak Lak vẫn đang tiếp tục phòng bệnh cho trẻ bằng cách cho uống OPV (vắc xin phòng bại liệt) để đạt được kết quả trên 97% như mọi năm, giữ vững kết quả thanh toán bại liệt từ năm 2000. Đồng thời, tăng cường các đợt uống phòng vắc xin bại liệt cho trẻ trong độ tuổi được uống tại những điểm sát biên giới, vùng có giao lưu với người nước ngoài như: huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột”.

Để chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Bộ Y tế khuyến cáo: Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần cho trẻ dưới 5 tuổi; người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa; bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường; khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt phần mềm cấp, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Mỹ Hạnh 

 


Ý kiến bạn đọc