Multimedia Đọc Báo in

Một số công dụng chữa bệnh của vỏ cây bằng lăng

09:49, 14/07/2014
Cây bằng lăng tía thuộc họ tử vi, có tên gọi khác là săng lẻ, bằng lăng ổi. Cây bằng lăng cao khoảng 10 – 15 m, có lá màu xanh lục; hoa màu tím hoặc tím nhạt, mọc thành chùm dài từ 20-40 cm, thường nở vào giữa mùa hè.
 
Mỗi bông hoa có 6 cánh, mỗi cánh dài chừng 2-3,5 cm. Quả lúc tươi màu tím nhạt pha xanh lục, mềm; quả già có đường kính 1,5-2 cm, khô trên cây. Cây bằng lăng có nhiều loại nhưng chỉ có bằng lăng tía được nghiên cứu sử dụng làm thuốc chữa bệnh nhiều hơn cả. Vỏ thân bằng lăng tía là bộ phận dùng duy nhất, được thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, đem về cạo sạch vỏ ngoài, phơi hoặc sấy khô.

Vỏ bằng lăng tía đã được nghiên cứu dược lý và áp dụng điều trị bệnh nấm ngoài da, bệnh lỵ trực khuẩn, chữa bỏng; cao đặc vỏ cây bằng lăng tía có tác dụng làm se khô, giảm nhiễm khuẩn và tạo màng thuốc che phủ các vết thương, không cần phải băng, tránh đau đớn cho người bệnh khi thay băng…

Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng vỏ cây bằng lăng:

-Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Vỏ thân bằng lăng tía 20-30g, cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần/ngày; có thể tán bột hoặc nấu cao rồi bào chế thành viên để uống; dùng từ 7-10 ngày.

-Chữa bỏng: Vỏ thân bằng lăng tía 300g. Lấy 100g nấu với nước cho đặc dùng để rửa. Lượng còn lại 200g, băm nhỏ, nấu với 2 lần nước, lọc rồi cô thành cao lỏng; ngày bôi từ 2-3 lần. Lớp cao bôi lên vết thương sẽ se lại thành màng, có độ mềm và dai, tránh được bụi bẩn nên không cần băng.

- Chữa nấm da (hắc lào): Vỏ thân bằng lăng tía thái nhỏ, ngâm với cồn 600 với tỷ lệ 20-30% dùng bôi vào vùng có nấm da hoặc hắc lào.

DS. Mỹ Nữ


Ý kiến bạn đọc