Multimedia Đọc Báo in

Vài bí quyết hạn chế ngộ độc thực phẩm trong ngày hè

15:14, 14/07/2014

Vào mùa hè không khí có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới làm cho thức ăn dễ bị ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận, và gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng. Dưới đây là một số bí quyết để hạn chế bị ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

Rửa tay thường xuyên

Rửa tay là cách làm đơn giản nhất, hiệu quả nhất trong việc phòng tránh các loại bệnh lây lan qua con đường tiếp xúc, ăn uống. Chỉ cần dùng xà phòng rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc khi tiếp xúc với đồ vật, chất trung gian dễ gây bệnh.

Tránh xa thực phẩm tươi sống

Rau sống, nước ép hoa quả không bảo đảm vệ sinh, thịt cá sống, nem chạo, gỏi, tiết canh... là những loại thực phẩm ngon miệng nhưng dễ gây bệnh. Khi chế biến thực phẩm nên dùng 2 chiếc thớt, một cho thực phẩm sống và một dùng để thái thịt chín; không dùng chung hay lẫn lộn để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh.

Không nên để thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ phòng

Cá, thịt sống hay trái cây hoa quả, sữa... khi không dùng nên đưa ngay vào trong tủ lạnh, thậm chí có loại thực phẩm phải để vào ngăn đá sau đó chuyển xuống ngăn thường. Có 3 cách an toàn để khử tuyết thực phẩm là chuyển từ ngăn đá xuống ngăn lạnh, cho vào nước lạnh và đưa vào lò vi sóng. Không nên khử đá ở môi trường nhiệt độ phòng (nhiệt độ môi trường) vì nó không bảo đảm vệ sinh.

Ăn vừa phải

Vào mùa hè nóng nực cơ thể tiêu hóa chậm, nếu ăn quá no cơ thể sẽ khó tiêu, gây chướng hơi, đầy bụng. Nên giảm ăn, dùng những bữa nhỏ, kể cả những thực phẩm bản thân ưa thích để tạo sự ngon miệng và có lợi cho sức khỏe và hạn chế ngộ độc.

Bảo đảm an toàn khi vận chuyển thực phẩm

Khi vận chuyển thực phẩm bằng ôtô thì mức nhiệt độ rất cao, nên nhất thiết phải có công cụ giữ an toàn cho thực phẩm. Một số thực phẩm cần được bảo quản lạnh như: trứng, cá, đồ ăn sẵn… cần được bảo quản trong môi trường lạnh dưới 5oC, hoặc có nhóm thực phẩm cần bảo quản ở mức trên 60oC, hoặc phải đựng trong thùng chứa bảo ôn mới bảo đảm chất lượng.

Áp dụng cách làm lạnh nhiều lần

Khi vận chuyển thực phẩm qua nhiều phương tiện thì nhất thiết phải làm lạnh nhiều công đoạn khác nhau, kể cả thực phẩm sống lẫn đồ uống, nhất là nhóm thực phơi ra môi trường không khí. Nên phủ lớp đá dày ở trên cùng để kéo dài thời gian lạnh đông được lâu.

Không nên để thực phẩm quá 2 giờ dưới ánh nắng mặt trời

Không nên phơi thực phẩm trực tiếp dưới ánh mặt trời quá 2 giờ. Trường hợp nắng nóng trên 32oC thì không được quá 1 giờ.

Nên dùng trứng tiệt trùng

Trứng là thực phẩm dễ gây bệnh ngộ độc, vì vậy không nên ăn trứng sống hoặc nhóm trứng không rõ nguồn gốc mà thay vào đó là dùng nhóm trứng bảo đảm vệ sinh. Riêng nhóm người trên 65 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu thì nên dùng trứng tiệt trùng để hạn chế nhiễm khuẩn salmonella.

Thực phẩm chế biến xong nên ăn ngay

Nên ăn thực phẩm nóng sốt; nếu chế biến xong mà để ở môi trường nhiệt độ phòng thì sau 20 phút lượng khuẩn thâm nhập vào thức ăn sẽ tăng lên gấp đôi. Nên chế biến thực phẩm gần bữa ăn, nếu quá lâu thì nên đưa vào tủ lạnh bảo quản. Khi ăn nên hâm nóng ở mức nhiệt độ trên 57oC sẽ hạn chế nguy cơ bị ngộ độc, hạn chế ăn lạnh.

Khắc Nam

  (Theo AARP-6/2013)       


Ý kiến bạn đọc