Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với bệnh do vi rút Ebola

09:25, 13/08/2014
Bệnh do vi rút Ebola hiện đang là sự kiện y tế được nhiều người  trên thế giới quan tâm và nhiều quốc gia đang triển khai khẩn cấp phòng chống, trong đó có Việt Nam.
 
Mặc dù, tính đến thời điểm này, nước ta chưa phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Ebola trên người và động vật nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh do vi rút Ebola từ tiếp xúc, giao lưu từ các đối tượng tại cửa khẩu biên giới hoặc sân bay là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện phòng bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola, hạn chế đi đến vùng dịch, tránh tiếp xúc với người bệnh, chôn cất an toàn các ca tử vong…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính, nguồn và đường lây chính của bệnh là từ động vật và từ người sang người. Từ động vật thì ổ chứa chính là dơi ăn quả và các động vật khác như: tinh tinh, khỉ đột, chuột, linh dương… Từ người sang người là do tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Cán bộ y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với thi thể của người bệnh, thợ săn thường tiếp xúc trực tiếp với các con vật bị nhiễm bệnh trong vùng rừng nhiệt đới… thì càng có nguy cơ cao mắc bệnh do vi rút Ebola.

Triệu chứng ban đầu của bệnh do vi rút Ebola là người bệnh bị sốt đột ngột; đau, yếu cơ; đau đầu, đau họng. Sau đó dẫn đến tình trạng nôn, ỉa chảy, nổi ban, suy giảm chức năng gan, thận và xuất huyết. Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện từ 8-10 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây.

Tính từ tháng 12-2013 đến 6-8-2014, thế giới đã có 1.779 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, trong đó có gần 1.000 trường hợp đã tử vong. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Hiện nay bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, cùng với các hoạt động chuyên môn của các bộ, ngành liên quan, mỗi người cần thực hiện các biện pháp dự phòng như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là sau khi đi thăm các bệnh nhân trong bệnh viện hoặc sau khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà; sử dụng hợp lý găng tay và phương tiện bảo hộ cá nhân; tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân Ebola…

Đối với trường hợp người trở về từ vùng dịch Ebola hoặc từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: sốt đột ngột; đau, yếu cơ; đau đầu, đau họng thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc