Multimedia Đọc Báo in

FAO cảnh báo 10 loại ký sinh trùng gia súc nguy hiểm

16:06, 07/08/2014

Tổ chức Nông - Lương Liên hiệp quốc (FAO) vừa công bố danh sách 10 loại ký sinh trùng gia súc nguy hiểm gây bệnh cho con người qua đường thực phẩm, kèm theo hướng dẫn kiểm soát nhằm hạn chế bệnh tật.

Danh sách nói trên ra đời có sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xếp hạng dựa trên tiêu chí gây bệnh từ cao nhất đến thấp nhất.

1. Sán dây lợn (Taenia solium): Đây là loại ký sinh trùng đường tiêu hóa thường gặp, gây nên bởi nhiễm sán dây của bò hay lợn. Con người có thể bị nhiễm sán dây qua đường thịt sống hoặc nấu chưa chín. Hầu hết các ca nhiễm sán dây thường không có triệu chứng, nếu có thường biểu hiện như: đau bụng, sút cân, rối loạn tiêu hóa và tắc ruột; đôi khi xuất hiện tình trạng ngứa hậu môn. Thời gian nhiễm bệnh từ 8-12 tuần và kéo dài nhiều năm nếu không được điều trị thích hợp.

2. Sán kim (Echinococcus granulosus): Vật chủ chính của sán kim là chó nhà, chó rừng và loài cáo. Sán có chiều dài từ 3-6 mm, đường kính 0,3 mm; thân gồm từ 3-4 đốt, đầu nhô có tới 4 giác, 28-50 móc. Loài sán này phát triển trong ruột chó, tự động di chuyển ra ngoài hậu môn và vỡ làm trứng sán tung ra. Khi sán ra ngoài hậu môn sẽ kích thích ngứa, chó liếm hậu môn rồi liếm lông nên lông chó dính nhiều trứng sán và dễ lây nhiễm cho các vật chủ khác. Chẩn đoán bệnh  khó khăn, điều trị cũng khá phức tạp và nếu nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người.

3. Sán dãi chó (Echinococcus multilocularis): Bệnh sán dãi chó khác với bệnh do ấu trùng giun đũa chó. Sán dãi chó có nhiều trong sản phẩm tươi sống; chúng cư trú và phát triển thầm lặng trong nội tạng của con người (như gan, phổi, não...) qua nhiều năm. Khi phát triển đủ tuổi nó có thể chèn ép hoặc gây xuất huyết bên trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

4. Toxoplasma gondii: Có nhiều trong thịt động vật nhai lại, thịt lợn, thịt bò, thịt thú rừng (thịt đỏ và nội tạng). Đây là động vật nguyên sinh ký sinh thuộc chi Toxoplasma. Ký chủ chính của Toxoplasma gondii là mèo, nhưng loài đơn bào này có thể phát triển và gia tăng dân số trong các loại động vật máu nóng, nhất là chim. Nói chung, nhóm bệnh do Toxoplasma gondii gây ra thường ở thể nhẹ, tự khỏi nhưng cũng có thể có những tác động nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ đang mang thai, gây tử vong thai nhi do sản phụ tiếp xúc với mèo hoặc động vật mang bệnh do hệ miễn dịch suy yếu.

5. Ký sinh trùng Cryptosporidium spp
Có nhiều trong sản phẩm tươi sống, đồ uống, nước ép trái cây, sữa hoặc thông qua mút tay, tiếp xúc với phân người hoặc động vật bị nhiễm C. parvum. Triệu chứng phổ biến là tiêu chảy dạng nước, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt nhẹ hoặc mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng, kéo dài 2-10 ngày. Bệnh tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị trong thời gian 3-4 ngày, nhưng nếu kéo dài thì cần đi khám bác sĩ, nhất là đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ hoặc những người có sức khỏe hệ miễn dịch yếu.

6. Trùng kiết lị (Entamoeba histolytica): Trùng kiết lị giống như trùng biến hình, chỉ khác là chân giả rất ngắn và sinh sản nhanh hơn. Bào xác trùng kiết lị theo thức ăn, nước uống vào ống tiêu hóa của cơ thể  người. Khi vào ruột, chúng chui ra khỏi bào xác, gây các vết loét niêm mạc ruột rồi nuốt hồng cầu để tiêu hóa và sinh sản gây bệnh kiết lị. Triệu chứng thường gặp: nếu lị a-mip ruột thường gây đau bụng vặt, hay đi ngoài, phân lẫn máu và kèm chất nhờn, nếu điều trị không đúng bệnh dễ tái phát và gây áp xe gan; nếu là lị a-mip gan thường có hiện tượng phình to, sốt cao, nặng có thể sinh mủ, tràn mủ màng phổi và gây áp-xe phổi.

7 . Bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis): Bệnh giun xoắn là hậu quả của bệnh nhiễm giun Trichinella spiralis do ăn thịt chứa ấu trùng Trichinella nấu chưa chín. Đa số các ca nhiễm ký sinh trùng đều không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng khác nhau như: sốt, tiêu chảy, đau cơ và mệt mỏi. Giun Trichinella phải cần đến 2 vật chủ để duy trì chu kỳ sống và truyền bệnh, trong đó chuột và lợn được xem là những động vật lan truyền bệnh giun xoắn phổ biến. Mức độ mắc bệnh tùy thuộc vào việc ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn. Ví dụ nếu nhẹ có nghĩa ăn phải 0-10 ấu trùng, trung bình 50-500 ấu trùng và nặng là trên 1.000 ấu trùng.

8. Sán lá gan (Opisthorchis viverrini): Sán lá gan là một loài sán ký sinh thuộc họ Opisthorchiidae,  thường tấn công vào khu vực ống dẫn mật. Quá trình lây nhiễm xảy khi ăn cá sống hoặc chưa chín, ngoài ra cũng có thể dẫn đến ung thư đường mật, hay còn gọi là bệnh ung thư túi mật và ống dẫn mật. Căn bệnh xuất hiện nhiều ở vùng Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia vì vậy còn có tên gọi khác là sán lá gan Đông Nam Á.

9. Bệnh giun đũa chó mèo (Ascaris spp): Toxocara spp là loại giun tròn sống ký sinh trong ruột non chó và mèo. Giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài và phát triển thành ấu trùng sau đó lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa, thậm chí cả qua da. Khi vào cơ thể, giun tròn toxocara spp đẻ trứng và nở trong ruột, ấu trùng chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như: gan, phổi, tim, mắt, não và mô. Hầu hết không có triệu chứng, nếu có thường là ngứa da, gan to, đau bụng hoặc khó chịu, ho và khó thở.

10. Trùng roi Trypanosoma cruzi: Trùng roi nhiệt đới Trypanosoma cruzi là thủ phạm gây bệnh từ động vật sang cho con người qua đường máu. Họ Triatominae (Reduviidae) phổ biến nhất là Triatoma, Rhodnius và Panstrongylus. Bệnh cũng có thể được lan truyền qua truyền máu và cấy ghép nội tạng, đồ uống nhiễm ký sinh trùng, lây từ mẹ sang thai nhi. Bệnh xuất hiện nhiều ở khu vực Mỹ La tinh, đặc biệt là Nam Mỹ do vết đốt của bọ xít (một loài bọ xít chỉ tìm thấy ở châu Mỹ, nhất là ở vùng nông thôn).

Nguyên tắc chung về phòng chống:
Theo cơ quan an toàn thực phẩm của FAO và WHO thì để hạn chế bệnh lây lan từ ký sinh trùng gia súc sang cho người thì khâu giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng, bởi đây là đường truyền bệnh quan trọng. Theo FAO, cần tuyên truyền để nông dân hiểu được mối nguy hiểm gây bệnh để có cách phòng tránh như: sử dụng phân bón hữu cơ, nhất là cách ủ đúng cách, sử dụng đúng cách, kết hợp với việc dùng nước tưới tiêu chất lượng. Về phía người tiêu dùng, cần được tư vấn đầy đủ về cách sử dụng thực phẩm, ăn chín, uống chín, dùng nước sạch để rửa, chế biến thịt. Không nên ăn thịt sống, cá sống, tiết canh, nem chạo. Những người có hệ miễn dịch yếu như nhóm người có HIV, cấy ghép nội tạng hoặc điều trị hóa chất ung thư thì cần tránh xa nhóm thực phẩm có nguy cơ lây bệnh cao.

Trẻ nhỏ và người lớn cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh, trẻ nhỏ không được mút tay, cho tay vào miệng. Không được nuốt nước khi bơi, không nên tắm trong các hồ bơi công cộng bị nhiễm bẩn. Cần chú ý, giữ gìn vệ sinh khi tiếp xúc với vật nuôi; phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với mèo. Nếu nuôi chó mèo, động vật cảnh cần tiêm phòng định kỳ, tẩy giun sán, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Vệ sinh môi trường không để chó mèo phóng uế bừa bãi, không đi chân trần tiếp xúc trực tiếp với đất. Khi nghi ngờ mắc bệnh nên đi khám bác sĩ sớm để có phương pháp điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Khắc Nam (Theo TDS/FAO- 7/2014)


Ý kiến bạn đọc