Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết

09:49, 06/08/2014
Tây Nguyên đang vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do muỗi Dengue (dân gian thường gọi là muỗi vằn, muỗi khoang vì trên lưng và chân của chúng có những vằn đen và trắng) gây ra. Khi muỗi vằn đốt vi rút sẽ truyền từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối.

Với biểu hiện của bệnh là sốt cao liên tục, kéo dài trong nhiều ngày nên cơ thể mệt mỏi, gây chán ăn ở trẻ vì thế trẻ cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn khi khỏe. Để trẻ ăn được nên chọn những loại thực phẩm trẻ thích ăn, nếu trẻ ăn được ít thì nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, nấu thức ăn mềm với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như nhóm thức ăn giàu chất đạm gồm các loại thực phẩm: trứng, sữa, thịt, cá; nhóm thức ăn giàu chất bột đường gồm: gạo, ngô, khoai, sắn, bánh phở, hủ tiếu, bún, nui…; nhóm giàu chất béo như: dầu mỡ, bơ, nước cốt dừa; nhóm giàu vitamin và chất khoáng gồm các loại rau xanh, trái cây. Thức ăn cần được chế biến mềm, lỏng cho trẻ dễ nuốt và dễ tiêu hóa.

Về nước uống cũng cần cung cấp cho trẻ nhiều hơn bình thường bằng cách cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh tươi hoặc nước oresol pha với nước sôi để nguội. Cho trẻ uống nhiều nước nhưng không nên ép trẻ uống quá nhiều một lúc vì có thể gây nôn ói, sình bụng

Khi cho trẻ ăn và vệ sinh cho trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng nhằm bảo đảm vệ sinh cho trẻ, tránh để trẻ bị mắc thêm các bệnh khác.

Bên cạnh chế độ ăn uống cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc về cho trẻ uống. Trường hợp trẻ sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp lau mát cho trẻ bằng cách dùng khăn nhúng ẩm trong nước ấm đắp lên đầu, lên trán, lau người cho trẻ. Quan tâm, theo dõi bệnh của trẻ nhằm phát hiện kịp thời những biến chứng của bệnh. Chú ý, khi trẻ giảm sốt là lúc bệnh thường có chuyển biến nặng. Với bệnh sốt xuất huyết, nếu có biến chứng lúc hết sốt trẻ thường lừ đừ, mệt mỏi hơn, không như những bệnh khác khi hết sốt trẻ thường vui vẻ, thích chơi và ăn ngon, ngủ yên. Khi thấy trẻ có biểu hiện như đau bụng, chảy máu cam hay ói mửa cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ cần chủ động ngăn không cho muỗi đốt bằng cách hạn chế nơi sinh sản của muỗi như dọn dẹp nhà cửa sân vườn sạch sẽ, thoáng đãng, thu gom và xử lý các loại rác thải xung quanh nhà. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng, sạch sẽ, hạn chế việc treo quần áo, nhất là quần áo có màu tối bừa bãi để tránh nơi muỗi cư trú và sinh sản. Đậy kín các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Bình hoa, chậu cảnh cần được thay nước thường xuyên, khi không sử dụng cần đổ sạch nước, để bình khô ráo, để những dụng cụ chứa nước này lâu ngày sẽ là nơi sinh sản của muỗi. Nuôi cá trong các bể, khạp chứa nước để chúng ăn loăng quăng. Khi nằm ngủ cần bỏ màn (cả ngày và đêm) để tránh bị muỗi đốt.

Chủ động sử dụng các loại hóa chất diệt muỗi như phun thuốc diệt muỗi, thắp nhang muỗi, tẩm màn. Muỗi vằn chính là thủ phạm gây bệnh nên tiêu diệt được muỗi vằn đồng nghĩa với việc ngăn chặn được dịch bệnh sốt xuất huyết.

 Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc